haitaynamkg

Tổng hợp kiến thức nhân loại

Vị đắng của chiếc bánh chưng khổng lồ

----------------------------------------------------------------------------------------------------
(Haitaynamkg) Rất nhiều năm về trước, tôi đã nghe “Sự tích bánh chưng bánh dầy” - như nhiều đứa trẻ khác - qua giọng kể của mẹ.
Và cũng như nhiều đứa trẻ khác, tôi đã mang sự ủng hộ vô thức và nhiệt thành với chàng hoàng tử Lang Liêu suốt từ khi ấy. Thời ấy, nhà tôi cũng rất nghèo. Tài sản quan trọng nhất, lúc nào cũng chỉ có một chiếc giường, nơi tôi nằm nghe những câu chuyện cổ tích mỗi đêm.
Cho dù hơn hai mươi năm sau, tôi không đọc hay nghe lại câu chuyện ấy một lần nào, thì ấn tượng ban đầu về chàng Lang Liêu cũng vẫn tốt đẹp thế. Câu chuyện kể về một chàng hoàng tử nghèo không có khả năng tặng vua cha những kỳ hoa dị thảo, sừng hươu tay gấu, để rồi sáng tạo ra những thứ bánh bình dị từ hạt gạo nếp.
Nó không phải là một câu chuyện tôn vinh cái nghèo, mà là một bài học về sự từ chối những giá trị phô trương để trở về với những tình cảm thuần khiết phi vật chất. Nó là một giá trị dân tộc ta hướng tới, không chỉ trong một câu chuyện cổ tích. Và trong nhiều thế kỷ, chúng ta không tôn thờ chiếc bánh ấy như một món ăn, mà là một tinh thần.
Đó là chuyện trẻ con ở đất nước này cũng hiểu, dù chúng không diễn đạt được thành lời.
Nhưng có một số người dường như không chịu hiểu. Và họ làm ra những chiếc bánh chưng khổng lồ. Họ kể một phiên bản khác về câu chuyện bánh chưng, một câu chuyện ngược lại với những gì đọng lại trong trí óc của đứa bé nghèo trong tôi năm xưa, khi nghĩ về Lang Liêu. Thậm chí đôi lúc, những địa phương mà những thứ kiểu “bánh chưng khổng lồ xuất hiện”, lại là nơi còn đang có nhiều người đói - và thậm chí vừa xin cứu đói.
Quãng năm 2008-2010, Phú Thọ liên tiếp tạo ra những kỷ lục khổng lồ trong lễ giỗ Tổ. Năm 2008, là một cặp bánh chưng, bánh dày khổng lồ - mà khi kết thúc lễ hội, thì bánh chưng đã bị lên men và có mùi khó chịu, bánh dày thì mốc xanh và bị phát hiện ra bên trong toàn là xốp. Năm 2009, một doanh nghiệp khác cung tiến bánh chưng, lần này khôn ngoan hơn, khi gồm 6.000 chiếc bánh chưng nhỏ, nhưng vì lối tư duy nào đó, vẫn phải gộp chúng lại thành một chiếc bánh chưng khổng lồ.
Cái Tết sau đó, Phú Thọ tiếp nhận hơn 1.600 tấn gạo cứu đói từ trung ương. Vài tháng sau cái Tết nhận cứu đói, ở lễ giỗ Tổ lại xuất hiện một thứ được gọi là “chai rượu khổng lồ” được cung tiến.
Cuối năm đó, người ta xót xa khi đọc một câu chuyện cực đoan về cái nghèo tại địa phương vừa liên tiếp lập kỷ lục đồ ăn thức uống ấy. Ở trường THCS Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, Phú Thọ, những đứa trẻ nội trú không có ăn, run tay không cầm nổi bút viết, lả đi trong lớp. Cả bản không còn gạo, người lớn phải đi đào củ mài để ăn, phó mặc lũ trẻ cho trường. Các thày cô trong trường đi vay tiền nuôi học trò cũng chỉ được 1.500 đồng mỗi bữa, đủ cơm trắng và canh rau cải nấu mặn. Đó là năm thứ 10 của thế kỷ 21. Chúng sống cách “bánh chưng khổng lồ” hơn một giờ đi xe.
Và cho đến tận năm 2017 này, chúng ta vẫn được nghe về sự xuất hiện của “bánh chưng khổng lồ”. Cái bánh chưng 7 tạ cũng lại xuất hiện ở một địa phương vừa phải xin cứu đói trong dịp Tết - một nơi vốn nổi tiếng vì những con người cần kiệm, chắt chiu - tỉnh Nghệ An.
Tất nhiên người ta có thể nói rằng “bánh chưng khổng lồ” hay những món ăn khổng lồ khác, từ bánh tét, phở, hủ tíu hay mì Quảng khổng lồ đều đến từ nguồn “xã hội hóa” - tức là doanh nghiệp thực hiện. Hay là chi phí của chúng, không đáng bao nhiêu so với số tiền cần để cứu giúp người nghèo, nhưng lại rất hiệu quả về truyền thông.
Bánh chưng, hay là phần lớn những món ăn của người Việt, ngay từ đầu đã không chỉ có ý nghĩa vật chất: bản thân chúng đã chứa đựng những triết lý. Nói theo ngôn ngữ hiện đại bây giờ, thì bánh chưng từ thời Lang Liêu vốn là một sản phẩm truyền thông.
Người Việt Nam, từ đứa trẻ trở đi, ai cũng hiểu tại sao Lang Liêu được chọn làm người kế vị. Trong cuộc “thi tuyển lãnh đạo” năm ấy, điều mà hoàng tử làm đã thể hiện triết lý báo đáp tổ tiên bằng chính những thành quả gần gũi và thiết thực, do bàn tay mình làm ra chứ không phải là những thứ hào nhoáng ít ý nghĩa.
Nhưng với những chiếc bánh chưng khổng lồ, những chai rượu cung tiến cỡ đại, tôi không hiểu những người làm ra nó muốn truyền gửi thông điệp gì. Chẳng lẽ đồ phải thật to thì lòng mới tỏ?
ĐỨC HOÀNG (VNEXPRESS)

Chào mừng và rất vui các bạn đến với blog chia sẻ mình!

Tham quan du ngoạn từ Nam chí Bắc:

An Giang || Bà Rịa - Vũng Tàu || Bắc Giang || Bắc Kạn || Bạc Liêu || Bắc Ninh || Bến Tre || Bình Dương || Bình Định || Bình Phước || Bình Thuận || Cà Mau || Cao Bằng || Cần Thơ || Đà Nẵng || Đắk Lắk || Đắk Nông || Điện Biên || Đồng Nai || Đồng Tháp || Hà Giang || Hà Nam || Hà Tĩnh || Hải Dương || Hậu Giang || Hòa Bình || Hưng Yên || Khánh Hòa || Kiên Giang || Kon Tum || Lai Châu || Lâm Đồng || Lạng Sơn || Lào Cai || Long An || Về Miền Tây || Nam Định || Nghệ An || Ninh Bình || Ninh Thuận || Phú Thọ || Quảng Bình || Quảng Nam || Quảng Ngãi || Quảng Ninh || Quảng Trị || Sóc Trăng || Sơn La || Về Tây Nguyên || Tây Ninh || Thái Bình || Thái Nguyên || Thanh Hóa || Thừa Thiên Huế || Thành phố Hồ Chí Minh || Thủ Đô Hà Nội || Tiền Giang || Trà Vinh || Tuyên Quang || Vĩnh Long || Vĩnh Phúc || Yên Bái

|| || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || ||

Bộ sưu tập ảnh hot:

|| || || || || || || || || || || || || || || || || ||
Like bài viết nếu bạn thấy hay và có ích :
Những gì mình biết, hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé! Xin mời bạn bình chọn!

Bạn đã xem chưa

0 nhận xét | Viết lời bình

Copyright © 2014 Haitaynamkg Knowledge Humanity