haitaynamkg

Tổng hợp kiến thức nhân loại

Thực học sẽ làm nên giá trị và nhân cách

----------------------------------------------------------------------------------------------------
(Haitaynamkg) Kết quả thi đại học vừa qua cho thấy, có hơn 66% thủ khoa là học trường làng. Có nghĩa những học sinh toàn do tự học là chính. Nhà văn Ngô Thảo cho rằng, hiện thực này mách bảo chúng ta nên bám sát văn hóa đọc, đó vẫn luôn là bệ phóng cho kiến thức, trí tuệ bay cao, còn tất cả những thứ khác chỉ là phương tiện.
PV: Đa phần giới trẻ hiện nay lười đọc mà thường bị lôi cuốn bởi các phương tiện nghe nhìn… Hậu quả là kiến thức tuy có tăng về lượng nhưng lại thiếu chiều sâu và kỹ năng viết, diễn đạt cũng kém đi. Theo ông nên nỗi vì đâu?
- Nhà văn Ngô Thảo: Để làm việc, anh cần có rất nhiều kỹ năng, dẫu chỉ là cuốc đất cũng phải biết cuốc thế nào, như tiếng Quảng Trị, là khi nào dùng cuốc tai, cuốc chỉa, cuốc bàn, rồi còn mai, xẻng, xà beng… Lớp trẻ bây giờ đang mắc phải căn bệnh cái gì cũng biết, biết rất nhiều nhưng khi làm lại chẳng biết làm gì cả. Nghĩa là họ thiếu sự tỉ mẩn trong từng việc làm. Chúng ta cần phải dạy lớp trẻ những điều cụ thể như là anh nông dân phải biết trồng lúa mùa nào, ngày nào, chất đất ra sao. Rằng mùa màng chỉ có bấy nhiêu ngày, ngày nào nên dùng để gieo hạt, ngày nào phải ủ mầm, thóc bao nhiêu ngày… Chứ không phải như bây giờ, ai cũng nói được nhưng mấy ai biết những thao tác để làm ra nó ra sao.
Trong học hành cũng vậy. Tất cả mọi người đều đi học nhưng lại chẳng biết để làm gì. Ai cũng muốn tốt nghiệp đại học cốt lấy cái bằng để xin việc, nhưng thực tế thì sao, thất nghiệp đầy ra đấy, bằng tốt nghiệp treo xó bếp rồi xin đi làm bất cứ việc gì, miễn có tiền để nuôi sống bản thân.. Tôi không phủ nhận những người có định hướng thời nào cũng có nhưng tiếc rằng hiện nay số đó không nhiều.
Còn việc học ở trường thì nặng về lý thuyết chung chung, một người học nông nghiệp “ném” về nông thôn nhưng chẳng biết miền Bắc khác miền Nam ra sao, cây lúa ở vùng này khác vùng khác ra sao? Hiện nay, cái mà nhiều thanh niên học được đều chỉ mơ màng nên khi vào đời không có khả năng, không có kỹ năng lao động, kỹ năng sống… Mọi thứ họ đều thấy trước mắt nhưng họ không hề có kỹ năng để thực hành những công việc cụ thể.
Để học được, từ xưa đến nay người ta đều phải đọc, nhưng đọc trên giấy và đọc trên mạng hoàn toàn khác nhau. Mấy khi đọc trên mạng mà anh có được kiến thức gì? Trong việc học người ta thường chê học thuộc lòng nhưng thực ra, nếu không học thuộc lòng, anh không có cái gì cả. Có chăng anh đừng học thuộc lòng để làm việc cũng như học thuộc lòng thôi.
Đời này đến đời khác, có ai dạy mà người ta thuộc Kiều? Cái vốn sống thuộc lòng đó là cái mình phải biết nhưng sử dụng nó thế nào lại phụ thuộc bản lĩnh ứng xử của mình. Tại sao khi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang Việt Nam dẫn một câu Kiều ra nói, mình cảm thấy sung sướng? Là vì ông ta đã đụng đến một điểm nhấn của văn hóa người Việt.
Nhưng sự thực thì các phương tiện hiện đại cũng có chức năng như đọc là giúp người ta giao tiếp?
- Phương tiện hiện đại chỉ giúp người ta giao tiếp, đọc cũng là một cách giao tiếp để anh biết thế thôi, nhưng để học, dứt khoát phải có sách vở. Ngày trước phải thức thâu đêm ngồi đọc, ghi chép những câu thơ hay nhưng chính thế hệ tưởng như học rất quê mùa như thế mới viết sách, làm được nhiều việc, chứ thế hệ đọc lướt nhiều, biết nhiều lại chưa thấy viết được gì độc đáo. Bạn nên biết, trí nhớ con người có hạn, nó chỉ được rèn luyện bằng những kỹ năng rất cụ thể.
Hiện nay, việc lớp trẻ xa rời kỹ năng đọc sẽ tạo ra một thứ văn hóa khác. Đó cũng là lý do vì sao trong Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam gồm các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới tại Việt Nam vừa diễn ra, người ta cũng lưu ý đến giáo dục và coi trọng khoa học cơ bản. Đó là chuyện ai cũng chấp nhận, tiếp thu nhưng không ai sáng tạo. Ngay cả truyện cổ tích, khi đọc ta chỉ nghĩ nó là thứ huyễn hoặc không có thực nhưng giá trị nó mang lại là vô cùng vì có một số người đọc nó nhưng không tin là cổ tích, đã biến những điều đó thành hiện thực. Trong thế giới chúng ta đang sống hiện nay, có biết bao điều mà mới đây thôi người ta cứ nghĩ đó là chuyện hoang tưởng. Để làm điều đó, dứt khoát phải là những người có đầu óc độc lập. Phải tự suy nghĩ mà chỉ suy nghĩ và sáng tạo được khi anh tự trang bị cho mình một vốn kiến thức thâm sâu về nhiều chuyên ngành khoa học, chứ không thể chỉ lướt trên mạng. Cho đến nay, cách học quan trọng nhất vẫn thuộc về cách đọc từ sách vở và thực nghiệm trong thực tế.
Ở các nước tiên tiến, người ta dạy con trẻ cách đọc từ khi còn nhỏ để hình thành thói quen đọc sách sớm. Chúng ta có nên học theo cách này không, thưa ông?
- Đây là phương pháp giáo dục cơ bản. Nước ngoài sau khi tiếp thu khoa học, kỹ thuật tiên tiến, trải nghiệm cái lợi và cái hại của kỹ thuật, họ giác ngộ sớm hơn mình. Nhìn tình trạng đọc của lớp trẻ ta nhận thấy đây sẽ là thảm trạng trong tương lai. Một thế hệ không chịu đọc thì sẽ làm được điều gì? Không thuộc lấy vài trăm câu ca dao, tục ngữ; vài trăm câu Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, lắng nghe những làn điệu dân ca ba miền… thì lấy đâu ra vốn văn hóa dân tộc để sáng tạo? Mà vốn dân tộc mới là chứng chỉ quan trọng khi tham gia hội nhập với quốc tế.
Bạn thử đi phỏng vấn những nhà bác học, những kỹ sư sáng tạo… hỏi xem họ từng đọc bao nhiêu cuốn sách để có thể nghĩ ra, tìm ra phát minh, sáng tạo đó. Chỉ có cách đọc thực sự mới có thể chạm vào chiều sâu, hiểu được bản chất của vấn đề. Hơn bao giờ hết, văn hóa đọc nên được nhà trường, gia đình quan tâm. Đọc ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng chứ không phải chỉ là chuyện đọc sách truyện, sách văn học. Đọc cũng là một cách tự học và chỉ có tự học, mỗi người mới hoàn thiện hơn về mọi mặt. Cùng một khóa học, nhưng chỉ cần ra trường dăm mười năm sau, ai biết tự học là vượt trội lên hẳn.
Nhưng xã hội bây giờ đòi hỏi con người phải cập nhật thông tin nhanh nhạy mà đọc sách thì cần thời gian để hiểu và sự tập trung cao độ. Thật khó để bắt thanh niên làm việc đó, thưa ông?
- Quả thật, thanh niên bây giờ ít người nói “cần cù bù thông minh”. Trong khi thực tế có hơn 66% thủ khoa là học trường làng. Có nghĩa những thủ khoa toàn do tự “cày” về kiến thức. Chính bằng chứng này mách bảo chúng ta nên bám sát văn hóa đọc, đó vẫn luôn là bệ phóng cho trí tuệ bay cao, còn tất cả những thứ khác chỉ là phương tiện. Nếu biến phương tiện đó thành phương thức sống, với vốn kiến thức ảo đó, bạn sẽ không đi được con đường dài đến tương lai.
Không phải bỗng dưng những tỷ phú như Bill Gates không trao tài sản cho con, mà vì họ tin con họ không chỉ giỏi như họ mà còn đi xa hơn nữa. Ngược lại, mình chỉ biết bao bọc, cho con đủ mọi thứ nên nó chẳng cần lao động. Ngày nay, không ai nhắc khái niệm Tự lực cánh sinh. Giờ đây, người ta chỉ nghĩ đến việc làm thế nào tìm được con đường ngắn nhất để có nhà cao cửa rộng, tiện nghi sinh hoạt thoải mái, có của ăn của để… Mặc dầu căn cứ vào đồng lương chính thức thì không làm sao cắt nghĩa được cho minh bạch. Có nghĩa rằng, có một số người có tài sản lớn không xuất phát từ công sức lao động. Thực tiễn xã hội này là bài học méo mó cho lớp trẻ thiếu bản lĩnh, một khi họ chỉ có một mục đích sống để hưởng thụ những tiện nghi, tài sản mà cha mẹ đã nhanh chóng kiếm được. Nhưng như thế anh là ai? Là vô danh tiểu tốt, sẽ là số 0, là con giun, con dế chứ không phải con người, đã là con người phải có danh gì trong trời đất chứ.
Hơn lúc nào hết, tư tưởng sống của nhà văn Nguyễn Công Trứ cần phải được nhắc lại để lớp thanh niên thấm nhuần và học theo: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Để có danh, tất nhiên anh phải đóng góp, phải làm được gì cho cuộc sống. Hình như bây giờ không ai nghĩ vậy mà chỉ nghĩ sống, tồn tại là được. Chí lớn, tầm nhìn xa có vẻ được người trẻ coi là những từ xa xỉ hoặc của một thời đã xa!
Bây giờ những người có ý chí để làm thay đổi cuộc sống của nhiều người khác cũng không nhiều. Ví dụ như ông Trương Gia Bình của Tập đoàn FPT hay Đặng Lê Nguyên Vũ của cà phê Trung Nguyên. Đây là những con người mà xuất phát điểm chẳng có gì đặc biệt nhưng ý chí của người ta hơn người, khi có ý chí thì dứt khoát phải học, mà cụ thể là đọc để có đầy đủ mọi kỹ năng cần thiết giúp ích cho công việc. Một con người có khả năng làm thay đổi cuộc sống của nhiều người. Xã hội ngày nay đang rất cần những con người như thế.
Vậy điều cần thiết cho lớp trẻ bây giờ chính là tạo dựng, hun đúc lại ý chí và trách nhiệm của họ?
- Ngày trước cũng chính lớp trẻ là lực lượng chủ lực giành lại độc lập cho đất nước. Ngày nay, một con người sống trong bối cảnh đất nước tự do, thanh bình, hoàn toàn có thể bình yên để sống nhờ sự tạo dựng của người khác. Nhưng để đất nước ngày một tốt đẹp hơn, rõ ràng tuổi trẻ hôm nay phải có ý chí khác. Ai cũng bảo sao ngày trước sống với nhau tốt thế, ao ước bao giờ cho đến ngày xưa, nhưng con người thời ấy khuyết tật cũng không ít. Chiến tranh cũng làm con người méo mó đi chứ. Nhưng vì họ có lý tưởng sống và luôn sẵn sàng xả thân vì nó nên mới có đất nước độc lập hôm nay.
Công bằng mà nói thì sống trong cuộc sống thanh bình như bây giờ mà gìn giữ được đường biên đạo đức là rất khó. Đó cũng là trách nhiệm của lớp trẻ. Sau chiến tranh, những người có tuổi đã thể hiện sự bất lực khi chấp nhận một xã hội thực tế không như mong đợi; lớp kế cận cũng khó có thể làm được việc gì lớn, mà hiện thực xã hội nhiều vấn nạn hiện nay là nỗi lo lớn của cả dân tộc. Nhiệm vụ của lớp trẻ hiện nay phải cùng tìm đáp số để giải quyết bài toán này. Bây giờ mình muốn bảo vệ truyền thống quý giá của một dân tộc độc lập thì phải xây dựng một dân tộc hiện đại hơn.
Những phẩm chất như cần cù lao động, sáng tạo, thông minh phải được gìn giữ và phát triển. Niềm tự hào về dân tộc phải được nuôi dưỡng. Nhưng làm mới mẻ, hiện đại hơn bằng những phẩm chất mới phù hợp với xu thế của thời đại là điều cần thường xuyên nghĩ tới. Nhiệm vụ của tuổi trẻ không phải là xây dựng tương lai theo những khuôn mẫu mà người xưa đã vẽ ra. Đến lượt mình, họ phải xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, nhân văn phù hợp với điều kiện và xu thế của thời đại. Đó là công việc rất lớn mà lớp trẻ phải đảm đương. Một công việc cần rất nhiều tâm huyết, trí tuệ, nhiệt tình của lớp trẻ.
Để làm được điều đó không còn cách nào khác mà chính các bạn phải học và tự học, tự tìm tòi sáng tạo lấy. Nếu chỉ học lý thuyết, kinh nghiệm quá khứ chung chung không thể giải quyết được những vấn đề của xã hội hiện tại. Quan trọng nhất chính là dạy cho lớp trẻ biết và có ý thức về trách nhiệm với sự phát triển của xã hội hiện nay. Điều đó không phải là mới mẻ. Hãy nhớ lại bức thư đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi học sinh cả nước trong ngày khai trường đầu tiên của chế độ mới gần 70 năm trước.
Nhưng để buộc giới trẻ quen với công nghệ, sống nhanh, sống gấp… với thói quen thích hưởng thụ hơn là việc chịu đọc sách là một điều rất khó, thưa ông?
- Đây là trách nhiệm của nhà trường. Mỗi cá nhân sinh ra đời phải tự biết mình muốn điều gì, muốn hưởng thụ từ những thành quả của quá khứ để lại, hay tạo được dấu ấn cho riêng mình? Người cứ sống và hưởng thụ cho qua kiếp người khác với cá nhân tự tìm đường hướng cho cuộc đời, để sự hiện diện của mình phải làm cho cuộc sống khác đi, giúp nó đẹp hơn, tốt hơn. Những điều này phải được giáo dục ngay từ khi còn ở nhà trường. Giáo dục không chỉ là dạy cho học sinh biết chữ với những kiến thức bách khoa mà cần hơn là giáo dục ý thức sống có trách nhiệm với sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Chỉ cần có ý thức, lớp trẻ sẽ làm được nhiều hơn điều mà chúng ta luôn mong muốn.
Vậy, theo ông, phải mất bao lâu nữa thì thanh niên Việt sẽ lại có thói quen đọc trở lại?
- Đừng suy nghĩ theo kiểu đồng loạt như vậy. Thời nào cũng có những bộ phận thanh niên sống có lý tưởng và lấy học tập làm phương thức chủ yếu trang bị kiến thức và kỹ năng sống và làm việc cho mình. Đối với họ, đọc và học là công việc thường xuyên và suốt đời. Ngày nay bộ phận đó cũng không phải là quá thiểu số. Mấy năm gần đây, lượng xuất bản phẩm được tiêu thụ đã có chiều hướng tăng lên. Nhưng chúng ta quan tâm đến mặt bằng của tuổi trẻ học đường, đặc biệt ở nông thôn. Điều này phải được bắt đầu từ đội ngũ giáo viên. Một người thầy chăm học, chăm đọc sẽ bằng chính tấm gương của mình, truyền tình yêu và kinh nghiệm sống đó cho học sinh của mình. Thời phổ thông, tôi có may mắn được học ở Trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng thành phố Vinh, Nghệ An.
Điều đặc biệt là sau này, hầu hết giáo viên của chúng tôi thưở ấy đều trở thành những giảng viên có uy tín ở các trường đại học. Họ đã nêu một tấm gương để học sinh ở vùng quê đó nhiều năm trước đậu đại học đều trên 90%. Thầy và trò cùng học, cùng đọc sẽ tạo nên một thói quen, một nếp sống lâu dài cho mỗi học sinh khi vào đời. Hy vọng là trong chiến lược cải cách căn bản nền giáo dục đang được cả xã hội chú ý hiện nay, cùng với việc chọn khối lượng kiến thức hợp lý và cập nhật, việc giáo dục ý thức trách nhiệm của mỗi người và kỹ năng làm người, kỹ năng sống và lao động của mỗi người sẽ được chú ý đúng mức, đặt đúng vị trí. Khi đó việc tìm đến văn hóa đọc, kỹ năng đọc như là phương tiện để học tập suốt đời sẽ không còn phải đặt ra một cách riêng lẻ, hay một cuộc vận động mà hiệu quả thực tế không có bao nhiêu.
Riêng tôi tin, sau một thời gian cả xã hội cổ vũ và chăm chú chạy theo lối sống tôn sùng vật chất, lấy sự làm giàu cho cá nhân là mục tiêu, lấy sự hưởng thụ vật chất làm lẽ sống, sẽ tất yếu dẫn đến những hệ lụy về sự phân biệt bởi khoảng cách giàu nghèo, vô tình khôi phục lại một xã hội phân chia giai cấp, nghĩa là xa rời mục tiêu lý tưởng của cuộc cách mạng, thì bằng một cách nào đó, nhất định phải có sự điều chỉnh ở cấp vĩ mô. Quần chúng lao động đông đảo từng là đội quân chủ lực của cách mạng vẫn chưa có cuộc sống gọi là hạnh phúc đã đành, mà chúng ta đang chứng kiến hiện tượng không phải những người giàu nhất là những người hạnh phúc nhất. Đó là hậu quả của định hướng phát triển xã hội không đặt trên nền tảng văn hóa. Ngay buổi đầu dựng chế độ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Khi sự điều chỉnh này diễn ra, trước hết trong giáo dục, thì việc coi trọng văn hóa, coi trọng lối sống có văn hóa nhất định sẽ dẫn đến nếp sống, mà trong đó văn hóa đọc sẽ được coi là đương nhiên, bởi việc thực học sẽ làm nên giá trị, phẩm chất và nhân cách của con người Việt Nam trong tương lai.
THEO NĂNG LƯỢNG MỚI 
Chào mừng và rất vui các bạn đến với blog chia sẻ mình!

Tham quan du ngoạn từ Nam chí Bắc:

An Giang || Bà Rịa - Vũng Tàu || Bắc Giang || Bắc Kạn || Bạc Liêu || Bắc Ninh || Bến Tre || Bình Dương || Bình Định || Bình Phước || Bình Thuận || Cà Mau || Cao Bằng || Cần Thơ || Đà Nẵng || Đắk Lắk || Đắk Nông || Điện Biên || Đồng Nai || Đồng Tháp || Hà Giang || Hà Nam || Hà Tĩnh || Hải Dương || Hậu Giang || Hòa Bình || Hưng Yên || Khánh Hòa || Kiên Giang || Kon Tum || Lai Châu || Lâm Đồng || Lạng Sơn || Lào Cai || Long An || Về Miền Tây || Nam Định || Nghệ An || Ninh Bình || Ninh Thuận || Phú Thọ || Quảng Bình || Quảng Nam || Quảng Ngãi || Quảng Ninh || Quảng Trị || Sóc Trăng || Sơn La || Về Tây Nguyên || Tây Ninh || Thái Bình || Thái Nguyên || Thanh Hóa || Thừa Thiên Huế || Thành phố Hồ Chí Minh || Thủ Đô Hà Nội || Tiền Giang || Trà Vinh || Tuyên Quang || Vĩnh Long || Vĩnh Phúc || Yên Bái

|| || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || ||

Bộ sưu tập ảnh hot:

|| || || || || || || || || || || || || || || || || ||
Like bài viết nếu bạn thấy hay và có ích :
Những gì mình biết, hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé! Xin mời bạn bình chọn!

Bạn đã xem chưa

0 nhận xét | Viết lời bình

Copyright © 2014 Haitaynamkg Knowledge Humanity