haitaynamkg

Tổng hợp kiến thức nhân loại

Thưa Bộ trưởng, cô giáo thờ ơ vì con tôi chỉ tặng sôcôla 20/11

----------------------------------------------------------------------------------------------------
(Haitaynamkg) Từ năm lớp 4, con tôi đã biết nhà bạn nào tặng thầy cô quà giá trị ra sao. Năm lớp 6, cháu muốn tự tay tặng cô quà nhân ngày 20/11.
Kính gửi Bộ Trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo,
Nhân ngày 20/11, tôi xin được gửi tới ông và các cán bộ trong ngành, các thầy cô giáo những lời chúc tốt đẹp nhất.
Tối qua, tôi cũng cùng các bạn tôi tới thăm thầy giáo cũ của mình. Chúng tôi đã có một buổi tối thật vui vẻ bên cạnh người thầy mà chúng tôi yêu quý. Khi nhớ lại những giây phút đấy, tôi không khỏi không nghĩ tới con mình và những đứa trẻ cùng lứa.
Nhiều lần, khi nói chuyện về một số thầy cô giáo của cháu, tôi không thấy được sự kính trọng trong ánh mắt cháu mà đôi khi là sự bức bối, có lúc là sự thờ ơ. Ở nhiều đứa trẻ cùng lứa khác, khi nói tới thầy giáo, trong ánh mắt chúng là sự sợ hãi và những điều khác nữa.
Thật buồn khi nhắc tới điều này trong một ngày rất quan trọng đối với không chỉ các thầy cô giáo, với các học trò đang đến lớp mà cả với những người từ lâu đã rời xa trường lớp như chúng tôi. Thật sự tôi đã muốn viết thư gửi ông từ lâu rồi, và có lẽ đây là một dịp tốt để thực hiện việc này.
Con tôi năm nay học lớp 8 và vừa bước sang tuổi 14, cháu hiện là học sinh một trường trung học cơ sở có tiếng ở Hà Nội. Mỗi ngày cháu phải học chính khóa ở trường khoảng bốn tiếng. Ngoài ra cháu phải học thêm bốn môn khác ở trường, tôi xin nhấn mạnh chữ “phải” vì dù việc học thêm là tự nguyện nhưng không mấy phụ huynh dám không cho con học thêm ở trường.
Trong các môn học thêm thì toán và văn đều phải học 4 tiết/tuần, mỗi môn còn lại phải học 2 tiết/tuần. Như vậy, mỗi ngày trong tuần cháu phải học thêm hai tiết, hay một tiếng rưỡi. Để có thể làm hết bài tập và học thuộc các bài học, cháu cần phải tự học ít nhất là hai tiếng mỗi ngày ở nhà, bình thường là ba tiếng mỗi ngày. Như vậy, mỗi ngày cháu phải dành ra tám đến tám tiếng rưỡi cho việc học hành.
Nhưng dường như việc dạy thêm ở trường không phải để phục vụ cho mục đích học thêm nên để đảm bảo môn toán và văn đạt điểm giỏi, chúng tôi đành phải cho cháu học thêm khoảng bốn tiếng mỗi tuần cho cả hai môn. Thành ra mỗi ngày cháu phải học bình quân khoảng chín tiếng.
Tôi xin lưu ý là theo Luật lao động của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thời gian làm việc mỗi ngày được qui định là tám tiếng. Nếu làm thêm giờ thì tổng thời gian làm thêm giờ mỗi năm cũng bị hạn chế ở mức mà bình quân mỗi ngày chỉ được làm thêm gần một tiếng và tổng cộng thời gian lao động cho phép mỗi ngày là gần chín tiếng. Ngoài ra khối hành chính còn được nghỉ thứ 7.
Con tôi, một đứa trẻ mới qua tuổi 14, hiện phải làm việc cả ngày thứ 7 và làm việc khoảng chín tiếng mỗi ngày, tức cả hơn mức cho phép đối với người lớn. Cháu đã phải làm việc ở mức độ như vậy từ năm học lớp 6. Đương nhiên không phải chỉ mình con tôi mà rất nhiều các cháu đang phải học với thời lượng như vậy, thậm chí còn hơn.
Nếu muốn các cháu phát triển các năng khiếu khác, các cháu sẽ phải dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc học. Nếu muốn phát triển khả năng ngoại ngữ, mỗi tuần các cháu phải học thêm ít nhất là một tiếng rưỡi nữa. Mỗi môn năng khiếu sẽ cần khoảng hai đến ba tiếng mỗi tuần. Nhưng cho dù không học thêm môn năng khiếu đi nữa, thì với thời lượng như vậy, lúc nào áp lực học cũng treo lơ lửng và lũ trẻ chẳng có đủ thời gian để chơi.
Năm nay, để tránh các qui định về dạy thêm của Bộ, trường con tôi tổ chức dạy thêm qua một trung tâm khác. Giáo viên thì vẫn là các thầy cô của trường, ai môn nào lớp nào thì vẫn dạy thêm môn đấy, lớp đấy và vẫn học tại trường. Việc học thêm vẫn như những năm trước nhưng vì có thêm một trung tâm bên ngoài nên tiền học tăng lên. Áp lực học hành lại cộng dồn thêm áp lực kinh tế.
Mỗi năm đến dịp khai trường, tôi nhìn lũ trẻ mà vừa cảm thấy vui, lại vừa thấy ngại ngần. Vui vì sau một mùa hè, lũ trẻ lớn vọt lên trông thấy, đến phải ngỡ ngàng. Ngại ngần vì áp lực học hành sẽ khiến chúng chẳng lớn thêm được bao nhiêu trong chín tháng của năm học. Tôi đã thấy điều này suốt bao nhiêu năm nay, kể từ khi con tôi trải qua mùa hè đầu tiên sau năm lớp một. Suốt chín tháng trời, sức lớn của lũ trẻ bị kìm hãm và trong ba tháng hè chúng phải lớn cho cả năm và lớn bù cho chín tháng học hành.
Những điều đã viết ở trên cho thấy sự tồn tại rõ ràng của những bất hợp lý. Khi việc học chính khóa không đảm bảo, việc học thêm phải diễn ra ở mức độ đại trà. Khi hầu hết lũ trẻ phải học thêm thì mới theo kịp chương trình hoặc mới đạt mức khá giỏi thì rõ ràng là việc giáo dục chính khóa đã có sai sót trầm trọng và mục đích của chương trình giáo dục do Bộ đề ra đã thất bại hoàn toàn.
Khi việc học hành kìm hãm khả năng tăng trưởng thể chất của lũ trẻ thì rõ ràng giáo dục trường lớp là điều có hại và không nên tồn tại. Thế nhưng dù sai sót trầm trọng, dù có hại thì chúng ta vẫn phải cho lũ trẻ đến trường. Thật là vô lý phải không ạ?
Có lẽ ông sẽ hỏi vì sao tôi muốn con tôi đạt mức học sinh giỏi làm gì để mà cháu phải học nhiều như vậy. Đơn giản là vì học sinh giỏi thì sẽ được cộng điểm khi thi vào bậc trung học phổ thông. Với cách tính điểm cộng cho học sinh giỏi hiện nay, các trường trung học phổ thông công lập tha hồ nâng mức điểm lên và các thầy cô giáo bậc trung học cơ sở lại có được quyền lực rất lớn khi có thể quyết định học lực của học sinh.
Chính vì có quyền lực này mà việc dạy thêm xảy ra tràn lan. Chính nhờ có quyền lực này mà các thầy cô có cách kiếm thêm tiền. Và cũng chính vì quyền lực này mà chúng tôi không dám cho con mình nghỉ học thêm ở trường.
Học thêm thay vì để giúp đỡ các học sinh yếu kém hay bồi dưỡng các học sinh giỏi đã trở thành công cụ để kiếm tiền. Muốn vào trường tốt, trường công lập thì phải có điểm cao, muốn đạt điểm cao thì phải là học sinh giỏi để được điểm thưởng, muốn là học sinh giỏi thì phải học thêm. Phụ huynh và học sinh cứ sa vào cái guồng quay do cơ chế giáo dục tạo ra.
Và điều này cũng phần nào lý giải ánh mắt của lũ trẻ khi nhắc tới một số thầy cô giáo. Cách đây không lâu, một cô giáo trẻ đã viết một bài về quyền được kiếm tiền của mình, và đã nhận được nhiều phản hồi. Ai cũng có quyền kiếm tiền và đó là điều cần được tôn trọng, nhưng khi các thầy cô ra giá cho mình, khi các thầy cô kiếm tiền từ lũ trẻ thì giá trị của các thầy cô được xác định bằng tiền, như một thứ hàng hóa.
Tôi đã cố giữ cho con tôi không phải tiếp xúc với những chuyện tiêu cực của người lớn vì muốn tuổi thơ của con mình được xây nên bởi những điều tốt đẹp. Nhưng cố gắng của tôi đã thất bại thảm hại. Từ năm lớp 4, cháu đã biết nhà bạn nào tặng thầy cô quà giá trị ra sao. Năm lớp 6, cháu muốn tự tay tặng cô quà nhân ngày 20/11 và nhận được sự thờ ơ khi chỉ tặng cô gói sôcôla.
Qua bọn trẻ cùng trường, cháu nhanh chóng biết được các thầy cô thích được tặng phong bì hay tiền hơn. Khi các thầy cô như vậy thì lũ trẻ sẽ được giáo dục điều gì? Thật rùng mình khi nghĩ tới câu trả lời.
Tôi được biết ông đang khởi động một chương trình cải cách giáo dục mới. Hơn ba mươi năm rồi, vẫn liên tục cải cách. Nhưng khi nền giáo dục đang khiến lũ trẻ phải học thêm ở mức đại trà, khi nền giáo dục đang kìm hãm sự phát triển của lũ trẻ, khi nền giáo dục đang gieo rắc văn hóa phong bì vào đầu lũ trẻ thì nền giáo dục đó cần được cải cách và chúng tôi đồng ý với điều đó.
Khi trả lời phỏng vấn về việc cải cách, dường như có lúc ông đã nói ông và các cộng sự sẵn sàng trả giá cho cải cách giáo dục. Tôi trộm nghĩ nếu điều xấu nhất xảy ra, khi cải cách thất bại, thì trả giá sẽ là vạn triệu học sinh của đất nước này, sẽ là cả tương lai của đất nước này.
Vì lẽ đó, tôi mong và chúc ông thực hiện cải cách giáo dục thành công. Tôi mong ông sẽ đem sự kính trọng và tin yêu trở lại trong ánh mắt của lũ trẻ, như ánh mắt chúng tôi khi nhìn người thầy của mình tối nay.
Một lần nữa xin được chúc mừng ông và các thầy cô giáo nhân ngày 20/11.
Trân trọng.
THEO VNEXPRESS 
Chào mừng và rất vui các bạn đến với blog chia sẻ mình!

Tham quan du ngoạn từ Nam chí Bắc:

An Giang || Bà Rịa - Vũng Tàu || Bắc Giang || Bắc Kạn || Bạc Liêu || Bắc Ninh || Bến Tre || Bình Dương || Bình Định || Bình Phước || Bình Thuận || Cà Mau || Cao Bằng || Cần Thơ || Đà Nẵng || Đắk Lắk || Đắk Nông || Điện Biên || Đồng Nai || Đồng Tháp || Hà Giang || Hà Nam || Hà Tĩnh || Hải Dương || Hậu Giang || Hòa Bình || Hưng Yên || Khánh Hòa || Kiên Giang || Kon Tum || Lai Châu || Lâm Đồng || Lạng Sơn || Lào Cai || Long An || Về Miền Tây || Nam Định || Nghệ An || Ninh Bình || Ninh Thuận || Phú Thọ || Quảng Bình || Quảng Nam || Quảng Ngãi || Quảng Ninh || Quảng Trị || Sóc Trăng || Sơn La || Về Tây Nguyên || Tây Ninh || Thái Bình || Thái Nguyên || Thanh Hóa || Thừa Thiên Huế || Thành phố Hồ Chí Minh || Thủ Đô Hà Nội || Tiền Giang || Trà Vinh || Tuyên Quang || Vĩnh Long || Vĩnh Phúc || Yên Bái

|| || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || ||

Bộ sưu tập ảnh hot:

|| || || || || || || || || || || || || || || || || ||
Like bài viết nếu bạn thấy hay và có ích :
Những gì mình biết, hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé! Xin mời bạn bình chọn!

Bạn đã xem chưa

0 nhận xét | Viết lời bình

Copyright © 2014 Haitaynamkg Knowledge Humanity