haitaynamkg

Tổng hợp kiến thức nhân loại

Kiến thức là rởm thì giá trị bằng cấp chỉ ngang phiếu bé ngoan

----------------------------------------------------------------------------------------------------
(Haitaynamkg) Nếu chúng ta chỉ trang bị cho tuổi trẻ thứ kiến thức nửa vời, sự rập khuôn cũ kỹ hết thời và sự nhút nhát ám ảnh suốt đời, làm sao các thế hệ tương lai có thể đi xa?
Đăm đắm nghề dạy học suốt mấy chục năm trời, sắp đến lúc phải giã từ nó để "nghe chân ngựa về, chốn xa", tôi mới chợt nghiệm ra rằng có biết bao câu hỏi từ thuở "đã mang lấy nghiệp vào thân", dẫu có trăn trở đến bao nhiêu cũng không dễ trả lời...
Tại sao giáo dục luôn bị  trách "oan"?
Dĩ nhiên, khi có hàng vạn người ta thán về  sự xuống cấp của giáo dục thì chắc chắn, "nó" không thể bị oan. Có rất nhiều vấn đề được đem ra mổ xẻ: Từ triết lý giáo dục, cách dạy, sách giáo khoa, đội ngũ thầy, cô giáo, cơ chế quản lý, chế độ đãi ngộ, đặc trưng "ăn xổi" của nền kinh tế chụp giựt, sự hụt hẫng và mất thăng bằng - mất căn bản văn hóa do chiến tranh...
Tất thảy, đều được đem ra mổ xẻ thật kỹ càng. Thế nhưng, chúng ta đã bao giờ bình tâm ngồi lại cùng nhau một chút để tìm cho ra cái căn nguyên nào là quyết định nhất? Cuộc đời vận hành phức tạp lắm nhưng cái có thể coi là "nguồn cội" của mọi vấn đề, có khi lại đơn giản vô cùng: Liệu có phải chúng ta đã sai ngay từ khi trẻ nhỏ mới bắt đầu líu ríu đến trường?
Khi thầy cô giáo, cha mẹ, xã hội đã dạy cho đứa trẻ tính cách hơn thua đầy ích kỷ bằng dối trá! Phiếu BÉ NGOAN liệu có phải là minh chứng rõ nhất của sự khởi đầu không? Ngoan hay không ngoan, tất cả các bé, sau một tuần chơi- học, học- chơi đều có phiếu "ngoan" để rồi sau đó đem dán chi chít lên mặt tủ, lên cửa như một niềm tự hào trẻ thơ.
Cái cách làm mà ta nghĩ là làm vui - ngoan tâm hồn trẻ nhỏ ấy thật ra đã mặc nhiên ngầm định rằng, không ngoan hay ngoan chẳng có gì quan trọng, bạn nào cũng có, hoặc phải có. Vậy là, cái phiếu be bé ấy vô tình đã ám ảnh tâm lý trẻ, dù không ngoan các em cũng phải có nó để "báo tin vui" cho ông bà, cha mẹ.
Rất nhiều câu hỏi có thể nghĩ ra từ cái phiếu bé ngoan. Nếu không hiểu câu chuyện rất nhỏ nhưng có ý nghĩa "đá tảng" này thì không thể giải thích vì sao quan chức lại chiếm đến 59/60 người đề nghị xét công nhận chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tại sao con người cứ phải đuổi theo phiếu "bé ngoan" như một thứ bùa mê?
Chẳng phải "bằng cấp dởm" là loại phiếu "bé ngoan" ra tiền, ra bạc, ra chức, ra quyền sao? Dạy cho trẻ nhỏ chạy theo hư danh, tham lam, dối trá ngay từ đầu, và suốt nhiều năm sau này liệu có phải là cái căn nguyên làm đảo lộn mọi giá trị...
Sao cứ bắt các em khiêm tốn mãi?
Bác Hồ dạy trẻ phải khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Lời dạy đó đúng muôn đời nhưng không hiểu đúng, trở thành lạm dụng nó thì lại kéo theo hệ lụy. Ta đã từng nghe không biết bao nhiêu thầy cô giáo khi nói về học sinh ngỗ ngược đều đệm thêm cái kết nặng như chì: "Trứng khôn hơn rận", "chưa đỗ ông nghè..."...
Nền giáo dục coi trọng thái quá sự khiêm tốn (đồng nghĩa với cách huấn luyện bắt trẻ nhỏ phải "cúi đầu tuyệt đối") là kìm hãm sự sáng tạo, khuyến khích học sinh đi theo lối mòn, chấp nhận "lời trên" (cha mẹ thầy cô) như là chân lý vĩnh cửu. Tại sao phương Tây phát minh và sáng tạo nhiều,  khiến xã hội tăng trưởng cùng phát triển, nếu không phải từ sự tự do sáng tạo, và dám phản biện?
Ở đó, mọi điều cũng giản dị: Người ta dạy cho trẻ phải phân biệt được đúng, sai. Dạy cho trẻ biết nghi ngờ trước khi biết chấp nhận (tất nhiên, chỉ thật sự phù hợp với học sinh THPT và sinh viên). Người ta dạy rằng nếu các em không hơn thầy, cô khi thầy cô bằng tuổi này thì đó là sự tàn lụi của văn hóa.
Rằng nếu không phản biện lại các giá trị cũ mòn thì sẽ không có thay đổi, phải biết cách chấp nhận, tự hào trò có thể giỏi hơn thầy... Nếu không truyền lại cho thế hệ mai sau lòng tự tin, quyết đoán, dám đương đầu với thách thức thì giáo dục để làm gì? Thiếu những đức tính ấy, con người chỉ có thể tồn tại bằng ô dù, luồn lọt, dối gian...
Tổng thống Mỹ những năm 1901-1909, Theodore Roosevelt có nói rằng ông thích một câu ngạn ngữ của vùng Tây Phi: Hãy nói một cách mềm mỏng nhưng phải cầm cây gậy thật lớn, bạn sẽ đi xa (Speak softly and carry a big stick, you will go far). "Cậy gậy lớn" đó là kiến thức và sự tự tin để theo đuổi, thực hành kiến thức đóng góp cho đời.
Nếu chúng ta chỉ trang bị cho tuổi trẻ thứ kiến thức nửa vời, sự rập khuôn cũ kỹ hết thời và sự nhút nhát ám ảnh suốt đời, làm sao các thế hệ tương lai có thể đi xa?
Những lỗ hổng nghiêm trọng
Dù có biện minh cách nào đi nữa thì hàng ngàn lớp học ĐH từ xa, tại chức để "cử nhân hóa" cho hàng vạn giáo viên, nói lên rằng cái lỗ hổng về kiến thức của đội ngũ này vô cùng nghiêm trọng.
Đành rằng đó là cái "lỗi" có từ thời sau chiến tranh, bao cấp, xã hội phải cưu mang nó, nhưng tại sao ngân sách giáo dục không bỏ ra một khoản tiền để tuyển hàng vạn cựu sinh viên sư phạm khá giỏi để gối đầu, để thay dần (thay bằng cách giảm dần số tiết dạy) đội ngũ đó?
Dĩ nhiên, không ai cho phép đảo lộn cuộc sống của hàng vạn con người đã đóng góp cho ngành giáo dục nhiều năm nhưng phải chấp nhận cho những người yếu và thiếu về trình độ dạy ít đi, để dành thời gian không lên lớp học thêm, đọc thêm...
Về lương bổng, nhất thiết phải cải tiến: Chẳng có học sinh nào tôn trọng cô giáo nếu hàng ngày cô phải chạy chợ bỏ mối hàng cho mẹ của chúng. Chẳng có người thầy nào không băn khoăn khi lương của một trung úy mới ra trường vài năm bằng lương của thầy giáo đã dạy học 30 năm...
Dù muốn hay không, Bộ GD và ĐT phải có biện pháp cần thiết để thanh lọc lại, "chỉnh đốn" lại đội ngũ tiến sĩ, thạc sĩ nhiều và kém chất lượng như hàng... second hand hiện nay. Nói ra điều đó thật đau lòng nhưng là một thực tế.
Thử kiểm tra bất kỳ chương trình đào tạo Th.s nào, sẽ thấy ít nhất, 50 % chuyên đề cao học chỉ là xào xáo lại, thêm son, thêm phấn cho chương trình ĐH mà thôi. Mấy năm trước, một vị Thứ trưởng Bộ này nói rằng có 30% TS không thực chất. Nhưng một khi cái không thực chất ấy vẫn cứ tiếp diễn thì làm sao bắt sinh viên phải học thật, thi thật...
Vận mệnh của dân tộc không cho phép tồn tại mãi hoài sự rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc, ngành giáo dục rõ ràng cần phải hành động quyết liệt.
Nghề dạy học đắng cay, vất vả và nhiều trăn trở lắm. Thế nhưng, hàng triệu nhà giáo vẫn ngày đêm quyết "sinh nghề, tử nghiệp" là điều nhắc nhở với Nhà nước, và xã hội sự cần thiết phải đổi thay có chất lượng lĩnh vực này.
Ai đó nói rằng nếu lương thấp quá, hàng vạn giáo viên sẽ bỏ nghề. Sẽ không bi kịch đến mức ấy đâu, bởi lương tâm của người thầy không thể chỉ lượng hóa bằng các con số nhảy múa trên bàn ăn, trên cái giỏ đi chợ. Nhưng nếu người thầy đem theo cả cái giỏ đi chợ đầy muộn phiền vào lớp học thì bài giảng làm sao có chất lượng đây?
Theo TUẦN VIỆT NAM

Chào mừng và rất vui các bạn đến với blog chia sẻ mình!

Tham quan du ngoạn từ Nam chí Bắc:

An Giang || Bà Rịa - Vũng Tàu || Bắc Giang || Bắc Kạn || Bạc Liêu || Bắc Ninh || Bến Tre || Bình Dương || Bình Định || Bình Phước || Bình Thuận || Cà Mau || Cao Bằng || Cần Thơ || Đà Nẵng || Đắk Lắk || Đắk Nông || Điện Biên || Đồng Nai || Đồng Tháp || Hà Giang || Hà Nam || Hà Tĩnh || Hải Dương || Hậu Giang || Hòa Bình || Hưng Yên || Khánh Hòa || Kiên Giang || Kon Tum || Lai Châu || Lâm Đồng || Lạng Sơn || Lào Cai || Long An || Về Miền Tây || Nam Định || Nghệ An || Ninh Bình || Ninh Thuận || Phú Thọ || Quảng Bình || Quảng Nam || Quảng Ngãi || Quảng Ninh || Quảng Trị || Sóc Trăng || Sơn La || Về Tây Nguyên || Tây Ninh || Thái Bình || Thái Nguyên || Thanh Hóa || Thừa Thiên Huế || Thành phố Hồ Chí Minh || Thủ Đô Hà Nội || Tiền Giang || Trà Vinh || Tuyên Quang || Vĩnh Long || Vĩnh Phúc || Yên Bái

|| || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || ||

Bộ sưu tập ảnh hot:

|| || || || || || || || || || || || || || || || || ||
Like bài viết nếu bạn thấy hay và có ích :
Những gì mình biết, hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé! Xin mời bạn bình chọn!

Bạn đã xem chưa

0 nhận xét | Viết lời bình

Copyright © 2014 Haitaynamkg Knowledge Humanity