haitaynamkg

Tổng hợp kiến thức nhân loại

Chủ nghĩa bài Mỹ tăng mạnh trong giới tinh hoa Nga

----------------------------------------------------------------------------------------------------
(Haitaynamkg) Chủ nghĩa bài Mỹ trong giới tinh hoa Nga đã đạt mức kỷ lục. Nếu vào năm 1993 chỉ có 26,9% người được hỏi cho rằng, Mỹ là mối đe doạ của Nga; thì năm 2016 có đến 80% những người quyền lực ở Nga đồng ý với luận điểm trên.
Nghiên cứu xã hội "Giới tinh hoa Nga 2016" được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học đến từ các trường đại học: Trường Kinh tế cao cấp (HSE) thuộc ĐHTH nghiên cứu quốc tế (Nga), Cao đẳng Hamilton và ĐH Michigan (Mỹ). Sau khi tiến hành phỏng vấn nhiều người Nga có địa vị cao trong xã hội như cán bộ nhà nước, nghị sĩ, doanh dân, đặc vụ, đồng thời dựa trên nguồn dữ liệu đồ sộ được lưu trữ từ năm 1993 – mốc ra đời nước Nga mới, nghiên cứu đã theo dõi chuyển biến của giới tinh hoa Nga từ sau khi Liên Xô tan rã cho đến nay.
Kết quả nghiên cứu thực sự gây chấn động khi chỉ ra: chủ nghĩa bài Mỹ chính là “chất kết dính” đoàn kết nước Nga đa sắc tộc. Hiện nay, thái độ thù địch nước Mỹ của giới tinh hoa gay gắt hơn rất nhiều so với của người dân thường.
Trả lời phỏng vấn tuần báo chính trị xã hội "Ogonyok", nhà xã hội học Eduard Ponarin, tác giả của nghiên cứu này đưa ra những giải thích cụ thể hơn.
PV: Kết quả khảo sát cho thấy chủ nghĩa bài Mỹ trong giới tinh hoa Nga đã đạt mức kỷ lục. Nếu vào năm 1993 chỉ có 26,9% người được hỏi cho rằng, Mỹ là mối đe doạ của Nga; thì năm 2016 có đến 80% những người quyền lực ở Nga đồng ý với luận điểm trên – một con số kỉ lục! Những người Nga còn lại cũng có cùng ý kiến như vậy?
Eduard Ponarin: Không hẳn. Có thể ngài cảm thấy ngạc nhiên nhưng trong suốt thời gian tiến hành khảo sát – là những 23 năm – chủ nghĩa bài Mỹ ở những người dân thường không gay gắt như ở giới tinh hoa. Vấn đề là, tác nhân kích thích giữa hai lớp người này không giống nhau: một người dân Nga có xu hướng gây hấn vì lí do dân tộc, trong khi đại diện của giới tinh hoa lại không hề quan tâm tới các vấn đề dân tộc, họ chỉ cạnh tranh với giới tinh hoa của các nước khác.
- Tôi hiểu. Vậy giới tinh hoa Nga không thích Hoa Kỳ ở điểm gì? Trong khi gần đây nhiều người trong số họ rất chuộng gửi tiền và con cái sang Hoa Kỳ?
- Tất cả vì sự vỡ mộng. Nếu ngài còn nhớ, cuối những năm 80, đầu những năm 90 ngay chính trên Xô Viết đã từng có trào lưu lý tưởng hoá nước Mỹ, mọi thứ đều được đem ra so sánh với đất nước này. Sẽ là hạnh phúc lớn lao đối với mỗi người dân Xô Viết khi được nhận dù chỉ một lon coca-cola hay một cái quần jeans từ Mỹ. Giới tinh hoa lúc đó đã tính toán rằng việc lên nắm quyền và những cuộc cải cách thân Tây sẽ giúp họ lọt vào nhóm lợi ích của các cường quốc. Thế nhưng rất nhanh sau đó họ hiểu rằng, họ đã tính toán sai. Và, tất nhiên, điều đó thể hiện rõ ràng ngay trên kết quả các cuộc thăm dò ý kiến.
Với quần chúng mọi chuyện lại khác. Nếu như vào năm 1993 phần lớn giới tinh hoa Nga ủng hộ Hoa Kì và dân chúng cũng vậy. Thì từ năm 1995 đã có sự bất đồng trong thái độ với Hoa Kỳ. Tức là, người dân vẫn tiếp tục có thái độ tích cực với Hoa Kỳ, trong khi cấp lãnh đạo đã thay đổi quan điểm vì nhận ra rằng nước Nga không giàu lên, đánh mất vị thế quốc tế, NATO tiếp tục mở rộng,… Mọi sự thay đổi bắt đầu từ năm 1995. Chủ nghĩa bài Mỹ dần dần tích luỹ, lộ diện, và sau đó bùng nổ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 dập tắt niềm tin vào những cuộc cải cách tự do, trong năm 1999 khi đồng minh NATO bắt đầu đánh bom vào Nam Tư và Yevgeny Primakov (thủ tướng Nga lúc đó – PS) chuyển hướng máy bay trên Đại Tây Dương.
Thật ra từ đó đến nay, đã có lúc mối quan hệ Nga-Mỹ được cải thiện – tôi đang nói đến cố gắng sắp xếp một cuộc đối thoại quan trọng với Mỹ ngày sau sự kiện 11/9/2001 trên cơ sở chống chủ nghĩa khủng bố, thế nhưng sau đó căng thẳng lại tiếp tục. Tổng thống Vladimir Putin đọc diễn văn Munich, sau đó làn sóng bài Mỹ tiếp tục dâng cao đến mức kỷ lục như năm nay.
- Vì sao giới tinh hoa không lập tức lôi kéo quần chúng nhân dân ngay khi họ cảm thấy bất bình với Mỹ?
- Nhờ có cách mạng tự do giới tinh hoa mới lên nắm chính quyền. Họ là con tin của hệ tư tưởng do chính họ đặt ra: họ không thể tuyên bố với dân chúng rằng những hy vọng sát nhập với phương Tây là sai lầm. Với giới tinh hoa, công nhận điều đó chẳng khác nào một cuộc tự sát chính trị.
- Chủ nghĩa bài Mỹ có phải là đặc trưng của giới tinh hoa Nga?
- Nói chung, chủ nghĩa bài Mỹ của giới tinh hoa thường xuất hiện ở những quốc gia «tầm trung» vốn không phải là thành viên của khối đặc quyền. Thử nhìn sang Thổ Nhĩ Kỳ, Arghentina hay Pakistan, ở đó thái độ thù địch với Hoa Kỳ cũng giống như ở Nga. Thế nhưng, hiện tượng này lại không phổ biến ở các nước rất nghèo và rất giàu.
- Ông liên hệ kỷ lục hiện tại với điều gì?
- Rõ ràng, xung đột ở Ukraina và Sirya đã ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu. Giới tinh hoa và phần lớn nhân dân Nga nhìn nhận Maidan như là cố gắng của châu Âu tách Ukraina khỏi Nga, không cho Nga và Ukraina liên kết trong liên minh kinh tế. Tôi nhấn mạnh rằng, bây giờ chúng ta đang diễn giải cách tiếp nhận sự kiện của người dân, chứ không bàn đến thực tế sự kiện đó diễn ra như thế nào.
- Hãy cùng làm rõ, ở đây chúng ta đang nói đến chủ nghĩa bài Mỹ hay là chống phương Tây?
- Đó đều là những khái niệm gần nhau, nhưng vì Hoa Kỳ là thủ lĩnh thế giới phương Tây nên thái độ thù địch tất nhiên là đối với quốc gia này. Hơn thế nữa, hiện nay Nga và châu Âu vẫn có nhiều mối quan hệ kinh tế… Kim ngạch thương mại giữa Nga và châu Âu là rất lớn. Trong khi đó, trên thực tế quan hệ kinh tế Nga-Mỹ là không đáng kể.
- Vậy có thể sử dụng chủ nghĩa bài Mỹ như một công cụ giải quyết các vấn đề trong nước hay không? Chính quyền Nga vẫn thường bị lên án vì điều đó…
- Ở đây các quy luật rất rõ ràng… Ví dụ như, chủ nghĩa bài Mỹ luôn tăng mạnh vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế, khi mà giới tinh hoa có thể dễ dàng chỉ ra cho dân chúng kẻ thù bên ngoài và thế là đánh lạc hướng sự chú ý của họ. Nhân tiện, đây không phải là ý tưởng của người Nga, bởi vì nhà sử học Mác-xít người Anh Eric Hobsbawm từng nói: chủ nghĩa tư bản dựa trên hệ tư tưởng thế giới tự do, trong thời điểm khủng hoảng nó sẽ khước từ ý thức hệ đó và tìm kẻ thù từ bên ngoài. Tôi không khẳng định rằng có sự liên hệ trực tiếp ở đây, nhưng khủng hoảng kinh tế ở Nga luôn gắn liền với tình hình căng thẳng của chính sách đối ngoại. Chiến tranh với Gruzia hay các sự kiện ở Krym đều đáng để suy ngẫm. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh một điều: chủ nghĩa bài Mỹ thực sự giúp người Nga hình thành ý thức giác ngộ dân tộc.
- Ý của ông là, ác cảm với Hoa Kỳ sẽ củng cố dân tộc Nga?
- Tôi sẽ nói như thế này: sự tồn tại của kẻ thù bên ngoài sẽ giúp đoàn kết dân tộc. Từ khi Xô Viết tan rã, chúng ta đã không thể định hình dân tộc mình. Chẳng hạn, người Nga ở Ukraina – họ là người Nga hay là công dân của nước khác? Hay là cả hai? Phải nhận thức điều đó như thế nào? Có thời điểm chúng tôi nhận thấy sự đòi hỏi chủ nghĩa kì thị các dân tộc tiểu số. Đã từng diễn ra nhiều cuộc đụng độ sắc tộc ở Nga. Nhiều người vẫn còn nhớ vụ Kondopoga năm 2006, Biryulevo năm 2013,… Trong xã hội học có thuật ngữ «cái đặc biệt khác». Đối với dân chúng Nga, «cái đặc biệt khác» đó là những người nhập cư có tôn giáo và sắc tộc rõ rệt. Thế nhưng giới tinh hoa Nga lại không ủng hộ những đòi hỏi về chủ nghĩa kì thị các dân tộc thiểu số, hơn nữa, còn cố gắng xoá bỏ nó.
- Tức là, giới tinh hoa là những công dân toàn cầu hơn quần chúng nhân dân?
- Sự khác biệt này phổ biến ở nhiều quốc gia. Ở Nga nó càng rõ rệt do truyền thống của chính quyền trước kia. Như chính nước Nga, giới tinh hoa có nguồn gốc đa sắc tộc, giới cầm quyền từng là người Varangian, Tatar,…Nước Nga từng tiến hành mở rộng lãnh thổ bằng cách thống nhất các dân tộc thiểu sổ. Vì vậy chúng tôi thấy ác cảm rõ ràng của giới tinh hoa Nga đối với những định nghĩa thiển cận về quốc gia chính trị. Hẳn ngài vẫn chưa quên những năm 90 RNE (Dân tộc Nga thống nhất) đã bị truy tố như thế nào, và trước đó là «Pamyat» (Tổ chức yêu nước chống Do Thái), ở thời chúng ta là DPNI (Phong trào chống nhập cư trái phép), BORN (Tổ chức chiến đấu của những người Nga theo chủ nghĩa dân tộc).
Thế nhưng cần phải chuyển hướng căng thẳng xã hội đến một đối tượng khác, và chủ nghĩa bài Mỹ là một lựa chọn hoàn hảo. Ở đây diễn ra hai xu hướng: một mặt, sự thù địch nước Mỹ tăng cao như tôi đã nói ở trên, mặc khác, chủ nghĩa bài Mỹ có vẻ như là một công cụ hữu dụng để giải quyết những vấn đề trong nước.
Kết quả khảo sát của chúng tôi đã chỉ ra rằng, khi chủ nghĩa bài Mỹ dâng cao, chủ nghĩa bài xích các dân tộc và tôn giáo thiểu số sẽ giảm xuống, và ngược lại. Và giới tinh hoa Nga đã chọn cách có lợi cho việc hình thành một quốc gia có các dân tộc thiểu số và được gắn kết bởi các lợi ích địa chính trị.
Không có cách nào khả quan hơn để đoàn kết dân tộc hay sao?
- Xã hội Nga quá đa dạng, điều đó không chỉ nằm ở vấn đề sắc tộc. Những thành phố lớn đang sống trong kỷ nguyên hậu hiện đại, trong khi phần lớn còn lại là vùng công nghiệp, một phần các vùng bỏ hoang, ở vài khu vực đến tận bây giờ vẫn duy trì mối quan hệ bộ tộc. Giống như một cái chăn chắp vá từ rất nhiều mảnh vụn, rất khó để xây dựng một chương trình nghị sự chung cho toàn xã hội Nga. Thế nhưng yếu tố kẻ thù bên ngoài và sự ưu tiên các lợi ích địa chính trị so với những vấn đề nội chính lại thống nhất toàn thể quần chúng nhân dân lại với nhau.
- Đối với giới tinh hoa là vậy, thế còn người dân thường thì sao? Họ quan tâm gì về nước Mỹ?
- Dựa theo kết quả thăm dò của chúng tôi, quần chúng luôn rớt lại phía sau so với giới tinh hoa trong vấn đề bài Mỹ. Người dân chỉ nói lại những gì được phát trên tivi. Ví dụ như về Hillary Clinton điên rồ, ảo tưởng về cuộc chiến tranh hạt nhân chống Nga. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng, ở Nga không hề có sự bài trừ đời sống và phong tục Mỹ. Xin nhắc lại, điều này hoàn toàn khác với chủ nghĩa kỳ thị sắc tộc thiểu số ở Nga.
- Có nghĩa là, thống kê mới nhất của trung tâm “Lavada” là đúng, khi 71% người được hỏi đã ủng hộ việc mở rộng quan hệ kinh tế, văn hoá và chính trị với Hoa Kỳ?
- Đây lại là chuyện khác. Tôi đã từng suy nghĩ, nhiệt huyết yêu nước trụ vững được bao lâu sau những sự kiện ở bán đảo Krym? Những con số của trung tâm “Lavada” không phải là ngoại lệ, chúng chứng minh một điều rằng nhiệt huyết đó đã lắng xuống và người dân lại quanh quẩn với cái tivi và tủ lạnh.
Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất bắt đầu cách đây 100 năm, tất cả đều là những người yêu nước, họ ủng hộ cuộc chiến, họ hành quân với ảnh chân dung của Sa hoàng. Nhưng đó lại là mối nguy hiểm cho chính quyền: trong mọi thời điểm cần phải đạt được chiến thắng địa chính trị, quân sự và kinh tế, lúc đó sự nhiệt tình sẽ được củng cố. Thế nhưng thất bại đã thay đổi mọi thứ.
So với lúc đó, tình hình hiện tại vẫn chưa phải là quá tệ: dù tình hình kinh tế bị suy giảm, nhưng cảm giác hạnh phúc của người Nga không bị ảnh hưởng (đây là một nghịch lý xã hội), niềm tin vào chính phủ còn tăng lên,... Tuy nhiên, có khả năng, đây là cơ sở tích luỹ sự mệt mỏi đầu tiên. Đây là giả thuyết: có thể đó chỉ là phản ứng trước chiến thắng của Trump ở Mỹ, chiến thắng bất ngờ của Fillon hoặc Le Pen ở Pháp. Có cảm giác rằng, ở đó sẽ có “người của chúng ta” và có thể đàm phán được với họ...
- Trong nghiên cứu của các vị có câu hỏi liên quan đến những mối đe doạ tiềm ẩn đối với nước Nga. Theo như kết quả thì giới tinh hoa Nga có vẻ không sợ sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang Mỹ. Tôi không hiểu, điều này liên quan như thế nào đến con số kỷ lục về chủ nghĩa bài Mỹ?
- Rất đơn giản, vấn đề ở đây không phải là Mỹ, mà là nước Nga. Giới tinh hoa Nga đã thay đổi cái nhìn về sức mạnh lực lượng vũ trang nước Nga. Từ khoảng giữa những năm 2000, quân đội Nga đã trở nên mạnh hơn, hiện đại hơn. Tất nhiên giới tinh hoa nhận thấy điều đó.
- Thế tại sao mối lo sợ các cuộc cách mạng màu lại ở mức độ thấp như vậy? Chúng ta vốn vẫn luôn e sợ chúng.
- Tình hình chính trị đã thay đổi – Chính phủ và Tổng thống đang nhận được sự ủng hộ của khoảng 80% người dân. Và, giới tinh hoa hiểu rằng sẽ không có một cuộc cách mạng màu nào xảy ra vào lúc này.
- Dù sao đi nữa, có hình ảnh nào mà giới tinh hoa Nga đang hướng đến không? Nếu không phải là Mỹ, thì họ muốn xây dựng một đất nước như thế nào? Lại một Xô Viết nữa chăng?
- Không. Những người ủng hộ Xô Viết ngày càng ít đi, hiện chỉ có khoảng 20%. Số người ủng hộ dân chủ tự do phương Tây vẫn ổn định ở mức khoảng 15 đến 20%. Sự ủng hộ dành cho hệ thống chính trị hiện tại lại không ngừng tăng lên, chiếm hơn 40%. Theo dõi người Nga bầu cử sẽ thấy kết quả phân bố đúng như thế. Về phương diện này giới tinh hoa Nga hoàn toàn phù hợp với phần còn lại của xã hội.
THEO PHỤC SINH
Chào mừng và rất vui các bạn đến với blog chia sẻ mình!

Tham quan du ngoạn từ Nam chí Bắc:

An Giang || Bà Rịa - Vũng Tàu || Bắc Giang || Bắc Kạn || Bạc Liêu || Bắc Ninh || Bến Tre || Bình Dương || Bình Định || Bình Phước || Bình Thuận || Cà Mau || Cao Bằng || Cần Thơ || Đà Nẵng || Đắk Lắk || Đắk Nông || Điện Biên || Đồng Nai || Đồng Tháp || Hà Giang || Hà Nam || Hà Tĩnh || Hải Dương || Hậu Giang || Hòa Bình || Hưng Yên || Khánh Hòa || Kiên Giang || Kon Tum || Lai Châu || Lâm Đồng || Lạng Sơn || Lào Cai || Long An || Về Miền Tây || Nam Định || Nghệ An || Ninh Bình || Ninh Thuận || Phú Thọ || Quảng Bình || Quảng Nam || Quảng Ngãi || Quảng Ninh || Quảng Trị || Sóc Trăng || Sơn La || Về Tây Nguyên || Tây Ninh || Thái Bình || Thái Nguyên || Thanh Hóa || Thừa Thiên Huế || Thành phố Hồ Chí Minh || Thủ Đô Hà Nội || Tiền Giang || Trà Vinh || Tuyên Quang || Vĩnh Long || Vĩnh Phúc || Yên Bái

|| || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || ||

Bộ sưu tập ảnh hot:

|| || || || || || || || || || || || || || || || || ||
Like bài viết nếu bạn thấy hay và có ích :
Những gì mình biết, hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé! Xin mời bạn bình chọn!

Bạn đã xem chưa

0 nhận xét | Viết lời bình

Copyright © 2014 Haitaynamkg Knowledge Humanity