haitaynamkg

Tổng hợp kiến thức nhân loại

Tác phẩm nghệ thuật không thể xa rời nền tảng văn hóa dân tộc

----------------------------------------------------------------------------------------------------
(Haitaynamkg) Với nghệ sĩ, học hỏi để vận dụng, sáng tạo như thế nào là vấn đề không dễ giải quyết hiệu quả nếu học hỏi chỉ để bắt chước máy móc.


Hiện nay hoạt động nghệ thuật do cơ quan văn hóa nước ngoài hoặc đại sứ quán một quốc gia nào đó tổ chức, tài trợ không còn xa lạ ở Việt Nam. Trong phạm vi nhất định, các hoạt động này đã góp phần mở rộng giao lưu, quảng bá văn hóa, đồng thời giúp một số nghệ sĩ có thêm điều kiện sáng tác. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều cần bàn...
Ngày nọ, tôi tham gia làm diễn giả tại buổi tọa đàm phê bình văn học và báo chí do một cơ quan văn hóa nước ngoài tổ chức. Gặp người dẫn chương trình (MC) được giới thiệu là biên tập viên một website ở nước ngoài, nghe anh nói năng khá tự tin, tôi rất yên tâm. Tới khi tọa đàm diễn ra, tôi phát hiện hầu như MC ít am hiểu lĩnh vực anh có nhiệm vụ môi giới giữa diễn giả với người tham dự. Nghe anh đặt câu hỏi, nhìn anh cắm cúi vào tờ giấy chuẩn bị sẵn đọc nhát gừng nhát tỏi, tôi hiểu anh khá lơ mơ về chủ đề tọa đàm. Không hiểu sao anh nhận làm MC một cuộc tọa đàm mà hiểu biết của anh về nội dung còn mù mờ? Sau lần ấy không thấy anh xuất hiện ở đâu nữa?
Tương tự, nghe nói tại cơ quan văn hóa nước ngoài nọ ở Hà Nội có một giáo sư đến từ châu Âu thuyết trình kết quả nghiên cứu của ông về văn hóa, tôn giáo Việt Nam, tôi háo hức đến dự. Nghe được một lát thì tôi hiểu vị giáo sư chủ yếu nghiên cứu theo lối tọa độ qua sách vở, tài liệu, gặp cái gì thì suy đoán theo cái ấy, thiếu hệ thống. Tới phần thảo luận, tôi xin phát biểu. Ðại ý là cảm ơn nhiệt tình của giáo sư, rồi dẫn ra một số thí dụ từ bài thuyết trình để hỏi không hiểu tại sao lời của Khổng Tử mà ông lại bảo là lời của Ðức Phật, lời của Ðức Phật thì giáo sư lại bảo của Khổng Tử, chẳng lẽ nghiên cứu văn hóa Việt Nam, ông không phân biệt sự khác nhau giữa Nho giáo với Phật giáo; và đề cập tới một số điều tôi coi là hạn chế trong các kết luận về văn hóa, tôn giáo Việt Nam của ông, mà theo tôi chủ yếu là vì tư biện, xa rời thực tế. Nghe tôi nói, vị giáo sư này tảng lờ, không trả lời các câu hỏi!?
Ðến năm trước, thấy có giới thiệu chương trình nghệ thuật đường phố do Ðại sứ quán một nước phương Tây cùng một số đơn vị, cá nhân phối hợp tổ chức tại Vườn hoa Lý Thái Tổ ở Hà Nội, tôi đến xem. Lòng vòng mỗi nơi một tý, hầu như không có gì hấp dẫn, chỉ thương nghệ nhân Hà Thị Cầu gần 100 tuổi lại ngồi bệt dưới đất, vừa kéo nhị vừa hát, có lúc mỏi quá, cụ ngả người dựa lưng vào tấm vải vách lều; may mà có nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nhanh tay đỡ, không thì cụ đã ngã ngửa về phía sau. Ghé căn lều khác, thấy đèn xanh đỏ nhấp nháy, bộ loa to đùng phát ra âm thanh rầm rập; trên sân khấu, một nam nghệ sĩ gày gò, đầu tóc bù xù, cởi trần và trưng ra bộ ngực lép kẹp với hai dãy xương sườn giống phím đàn organ, đang nhảy múa như lên đồng. Lúc đi ra, lại thấy trên sân khấu ngoài trời có hơn chục anh mặc quần áo đen sì, người như que củi, đang tưng tưng nhảy hiphop...
Thống kê sơ bộ có thể thấy, đến nay, tại Hà Nội có sự hiện diện của hàng chục quỹ tài trợ, cơ quan văn hóa nước ngoài. Một số trong các cơ quan này có mục đích hoạt động rất cụ thể, như: giới thiệu hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam thông qua việc hỗ trợ các nghệ sĩ và các tổ chức nghệ thuật Việt Nam, thúc đẩy các hoạt động mang tính hợp tác giữa các nghệ sĩ, tổ chức nghệ thuật ở Việt Nam với một quốc gia nào đó. Thông qua các hoạt động này góp phần nâng cao hiểu biết của công chúng về hai nền văn hóa, đóng góp vào sự phát triển nghệ thuật đương đại của Việt Nam,... Hoạt động và tài trợ của một số cơ quan văn hóa nước ngoài thu hút sự quan tâm của giới nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ - mà đôi khi trò chuyện với một số người, tôi có ấn tượng rằng họ thấy mình tân tiến, hiện đại; họ coi người nào có quan niệm nghệ thuật khác với mình là bảo thủ, lạc hậu; vài ba người lại tự thấy có khả năng sản xuất ra các ý tưởng nghệ thuật lớn, táo bạo, vượt thời đại nhưng "sinh bất phùng thời", bị cánh nghệ sĩ già đố kỵ. Thi thoảng họ lại đến trung tâm văn hóa nước ngoài nào đó trưng bày, trình bày, giới thiệu, trình diễn, thảo luận, tọa đàm, chụp ảnh với nhóm công chúng đặc tuyển theo tiêu chí bạn bè; để sau đó một vài trang mạng quảng bá như sự kiện nghệ thuật hiện đại, tiên phong, nổi trội, đáng chú ý. Ðến mức trong giới hoạt động nghệ thuật lâu nay đã xuất hiện một khái niệm khá lạ tai, hình như còn chứa đựng trong đó cả ý nghĩa khôi hài, là "nghệ thuật sứ quán" (Embassy art).
Một trong các hoạt động của những cơ quan văn hóa này là thông qua các dự án nghệ thuật để tài trợ cho các nghệ sĩ Việt Nam thực hiện. Theo tác giả Vũ Lâm trong bài đăng trên báo Thể thao & Văn hóa, thì: "Những dự án nghệ thuật sứ quán này cũng muôn hình muôn vẻ. Nó có mặt tốt là luôn hướng tới những vấn đề cộng đồng hoặc những câu chuyện mang ý nghĩa xã hội rộng rãi, cũng như đưa nghệ sĩ và người xem vào hít thở bầu không khí chung của nghệ thuật thế giới. Nhưng tựu trung lại thì nó không thể tránh khỏi một sự thật hiển nhiên là ảnh hưởng ý muốn của những người đầu tư kinh phí, với những kết quả kiểu như "tỷ số bóng đá giao hữu" vốn như phải thế... Kèm việc tuyên truyền cho văn hóa từ quốc gia có quỹ đó". Có lẽ vì am hiểu văn hóa - nghệ thuật Việt Nam nói chung, văn hóa - nghệ thuật Việt Nam đương đại nói riêng còn hạn chế, nên các cơ quan văn hóa này có một đội ngũ tư vấn để đóng góp ý tưởng, giới thiệu, huy động nhân lực... Và cũng không có gì cần bàn nếu các "nhà tư vấn" hầu như chỉ tập trung vào một vài nhóm nhỏ với từng ấy gương mặt, hoạt động theo lối xoay vòng, tư vấn từ cơ quan văn hóa nước ngoài này tới cơ quan văn hóa nước ngoài khác. Mỗi khi một sự kiện nghệ thuật do một cơ quan văn hóa nước ngoài này tổ chức, hầu như từng ấy gương mặt tề tựu, ba hoa và tán dương, như từng ba hoa và tán dương tại sự kiện văn hóa - nghệ thuật khác do một cơ quan văn hóa nước ngoài khác tổ chức. Sự nhàm chán của các gương mặt, sự khoa trương, sáo rỗng của ngôn từ, tình trạng cố lên gân như để trình diễn "tinh thần cấp tiến nửa mùa" diễn đi diễn lại nhiều lần đến mức, hễ khi nào nghe tin một sự kiện nghệ thuật, nhất là văn học, do cơ quan văn hóa nước ngoài tổ chức ở Hà Nội, biết tác phẩm của tác giả nào, MC hoặc diễn giả là ai, tôi có thể đoán trước thành phần tham dự, họ sẽ nói những gì, và lần nào sai số cũng... rất thấp!
Tới một số cuộc trưng bày nghệ thuật của cơ quan văn hóa nước ngoài, tôi thấy khái niệm nghệ thuật đương đại (contemporary art) và các tác phẩm theo xu hướng đó luôn được đề cao; nhất là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt - loại tác phẩm tôi thấy thường không chỉ "nhất bản" mà còn tồn tại với tư cách "nhất nhật". Vì thường là sau khi trưng bày vài ngày, tác phẩm biến mất tăm. Thiển nghĩ, dù hết lòng khuyến khích nghệ sĩ sáng tạo, trưng bày thì khổ chủ cũng không hào phóng tới mức làm hẳn một nhà kho để chứa các loại cọc sắt, bánh xe đạp, đồ thủy tinh, dây dợ, tre nứa, phông màn, giường đệm, cốc chén, giẻ rách, giấy vụn, xô chậu,... mà nghệ sĩ huy động để sáng tạo. Bởi sau khi các tác phẩm được mô tả đại loại như: "một chiếc xe công nông dát nhũ vàng, kết hợp âm nhạc điện tử và sự hiện diện của ba cô người mẫu quanh chiếc xe", "sắp đặt ván cờ, trong đó có góc những ma-nơ-canh bán thân chơi cờ cùng người, ngụ ý "mô hình nhỏ minh họa cho cuộc sống"...", "hình nộm những con dê đang vui đùa, giao phối với nhau trên cỏ, ở giữa là đoạn phim vi-đê-ô ghi lại cảnh giết mổ dê", "sắp đặt và tranh vẽ mang tên Con đường, ngụ ý mọi con đường đều dẫn đến khởi nguyên của vũ trụ nhưng có thể ở hình thái cao hơn hoặc tồi tệ hơn, với rất nhiều hình nhân, bục bệ, dây xích, tấm phướn,...", trưng bày xong thì có lẽ dọn dẹp cũng là công việc tốn nhiều công sức! Riêng với văn học nếu dự các buổi tọa đàm, giới thiệu sách tại một vài trung tâm văn hóa nước ngoài ở Hà Nội, sẽ được thưởng thức bữa tiệc tụng ca, mà theo tôi, những câu chữ ấy mà có giá trị, thì chắc chắn cuốn sách phải được trao giải Nô-ben! Tại cuộc hội thảo về cuốn sách X, một nhà thơ coi đó "là một hiện tượng sau 70 năm Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân", vậy mà chỉ sau vài ba tháng "hiện tượng" sau Thi nhân Việt Nam đã vắng bóng trên văn đàn, ít được nhắc tới!? Hay trong giấy mời dự tọa đàm tiểu thuyết Y, thấy giới thiệu đó là tác phẩm: "điển hình của văn học hậu - Ðổi mới, một "cuộc cách mạng từ dưới lên", cuộc cách mạng của mỗi người và vì mỗi người. Nó diễn ra âm thầm nhưng đầy ý thức tự giác. Tác phẩm này giống như một phản - tiểu thuyết, theo cái nghĩa nó khác hẳn với các hình thức tiểu thuyết trước đó, ít nhất là ở Việt Nam; nó có cả viết về phiêu lưu, cả phiêu lưu của viết, nhưng trên hết là viết về viết, phản tư về viết", "quả cân nặng ký nhất từ "trên trời" chính thức ra mắt bằng ấn bản "dưới đất" mang tên Y đã trình bày một quan niệm khác, một ý niệm lạ trong thể loại tiểu thuyết ở Việt Nam, và có thể cũng trên thế giới. Một cuộc cách tân hoàn toàn về nghệ thuật viết và đọc tiểu thuyết Việt Nam đã được hiển lộ đàng hoàng trên văn đàn"! Chao ôi, toàn những ngôn từ "bom tấn"! Nhưng tới hôm nay, tôi vẫn thắc mắc không biết đã có bao nhiêu tác giả nghiên cứu, phê bình, bạn đọc,... bị "quả cân nặng ký" từ "trên trời" rơi trúng đầu mà hầu như không còn mấy ai đề cập đến nó, nhất là trên báo chí?
Tiếp xúc với nghệ thuật thế giới, từ mỗi cá nhân đến mỗi nền nghệ thuật dân tộc có thể học hỏi nhiều điều. Với nghệ sĩ, học hỏi để vận dụng, sáng tạo như thế nào là vấn đề không dễ giải quyết hiệu quả nếu học hỏi chỉ để bắt chước máy móc. Sáng tạo theo xu hướng nghệ thuật nào đó trên thế giới, nếu không được "Việt hóa" cho phù hợp với văn hóa, tâm thức, quan niệm thẩm mỹ,... của người Việt thì rốt cuộc, sản phẩm sẽ chỉ có ý nghĩa khi được ca ngợi trong khán phòng rồi mờ nhạt dần khi cử tọa lấy xe máy, lái ô-tô, gọi ta-xi, vẫy xe "ôm" ra về. Hơn nửa thế kỷ trước, làm gì có trung tâm văn hóa nước ngoài, những Vũ Ðình Long, Nam Xương, Vi Huyền Ðắc, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm,... rồi Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Xuân Diệu, Huy Cận, Lê Thương, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương,... vẫn tiếp thu, nghệ thuật phương Tây và sáng tạo, gây dựng nền nghệ thuật Việt Nam hiện đại trên nền tảng văn hóa dân tộc. Ngày nay bối cảnh đã khác, song không vì thế việc tiếp thu, sáng tạo cũng khác theo. Muốn được khẳng định ở phạm vi nhân loại, nghệ sĩ phải được khẳng định ở phạm vi dân tộc, đó là sự thật. Nên, cho dù được cơ quan văn hóa nước ngoài tạo điều kiện tiếp xúc, hỗ trợ sáng tạo thì trước hết, nghệ sĩ vẫn cần sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật có tư cách là sinh thể của văn hóa dân tộc.


Văn Hải (tổng hợp)
Chào mừng và rất vui các bạn đến với blog chia sẻ mình!

Tham quan du ngoạn từ Nam chí Bắc:

An Giang || Bà Rịa - Vũng Tàu || Bắc Giang || Bắc Kạn || Bạc Liêu || Bắc Ninh || Bến Tre || Bình Dương || Bình Định || Bình Phước || Bình Thuận || Cà Mau || Cao Bằng || Cần Thơ || Đà Nẵng || Đắk Lắk || Đắk Nông || Điện Biên || Đồng Nai || Đồng Tháp || Hà Giang || Hà Nam || Hà Tĩnh || Hải Dương || Hậu Giang || Hòa Bình || Hưng Yên || Khánh Hòa || Kiên Giang || Kon Tum || Lai Châu || Lâm Đồng || Lạng Sơn || Lào Cai || Long An || Về Miền Tây || Nam Định || Nghệ An || Ninh Bình || Ninh Thuận || Phú Thọ || Quảng Bình || Quảng Nam || Quảng Ngãi || Quảng Ninh || Quảng Trị || Sóc Trăng || Sơn La || Về Tây Nguyên || Tây Ninh || Thái Bình || Thái Nguyên || Thanh Hóa || Thừa Thiên Huế || Thành phố Hồ Chí Minh || Thủ Đô Hà Nội || Tiền Giang || Trà Vinh || Tuyên Quang || Vĩnh Long || Vĩnh Phúc || Yên Bái

|| || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || ||

Bộ sưu tập ảnh hot:

|| || || || || || || || || || || || || || || || || ||
Like bài viết nếu bạn thấy hay và có ích :
Những gì mình biết, hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé! Xin mời bạn bình chọn!

Bạn đã xem chưa

0 nhận xét | Viết lời bình

Copyright © 2014 Haitaynamkg Knowledge Humanity