haitaynamkg

Tổng hợp kiến thức nhân loại

Sự hình thành triết học Marx

----------------------------------------------------------------------------------------------------
(Haitaynamkg) Bài viết này lược thuật phần nội dung bàn về sự hình thành các quan niệm triết học của Karl Marx trong tác phẩm Marx: A Very Short Introduction của Peter Singer.

Kết quả hình ảnh cho Sự hình thành triết học Marx
Khởi đầu là Marx tiếp nhận di sản triết học Hegel trong bối cảnh của phong trào cải biến Hegel và rút ra từ đó những ý niệm về diễn trình biện chứng tất yếu của lịch sử và về sự tha hóa. Tiếp thu tư tưởng của Bauer về tôn giáo và ý tưởng của Feuerbach về việc đưa triết học Hegel xuống đất, Marx tiến hành phê phán triệt để di sản này trên các mặt tôn giáo, pháp luật, chính trị, v.v., và cuối cùng đi đến chỗ khai triển hai thức nhận quan trọng: kinh tế là hình thức chủ đạo của sự tha hóa của con người và giai cấp công nhân là lực lượng vật chất cần có để giải phóng nhân loại ra khỏi sự ngự trị của tình trạng tha hóa do nền kinh tế gây ra.

1. DI SẢN CỦA HEGEL

Vào năm 1837, Marx đến với triết học Hegel, một hệ thống triết học đã chiếm một địa vị thống trị độc tôn nhất ở nước Đức thuộc giai đoạn 1830-1940. Ông đã tìm thấy nơi hệ thống triết học Hegel một nguồn suối quan trọng nhất cho sự hình thành tư tưởng của mình và gắn với nó cho đến cuối đời.

Công trình Hiện tượng học Tinh thần (1807) của G.W.F. Hegel (1770-1831) là nguồn suối tiên khởi cho sự hình thành học thuyết của Marx, cụ thể là các ý niệm về diễn trình biện chứng và tất yếu của lịch sử, và về sự tha hóa, do đó, để tìm hiểu Marx thì công trình này là manh mối đầu tiên.

Hiện tượng học Tinh thầnlần theo sự phát triển của Tinh thần từ chỗ là hiện tượng ban đầu với tính cách là các tinh thần cá biệt không tự-ý thức và không tự do đến chỗ là Tinh thần với tính cách là sự thống nhất tự do và hoàn toàn tự-ý thức. Tiến trình này không thuần túy là tiến trình lịch sử và cũng không thuần túy là tiến trình lôgic, mà là sự kết hợp lạ lùng của cả hai. Điều này cho thấy Hegel cố gắng cho thấy lịch sử là một tiến trình của Tinh thần theo một con đường tất yếu về mặt lôgic, một con đường mà nó phải đi để đạt đến mục tiêu cuối cùng của nó. Đây là một tiến trình biện chứng, qua đó Tinh thần luôn vượt qua những sự mâu thuẫn của chính mình, sự mâu thuẫn giữa tính phổ quát cố hữu và hình thức bị giới hạn của nó, vốn được Hegel mô tả như là tình trạng Tinh thần bị “tha hóa” khỏi chính mình, nghĩa là người này (một sự biểu hiện của Tinh thần) xem người kia (cũng là một sự biểu hiện của Tinh thần) là một cái gì đó xa lạ, thù địch, ở bên ngoài mình, trong khi trên thực tế họ là bộ phận của cùng một cái toàn bộ to lớn. Tinh thần không thể tự do trong tình trạng bị tha hóa, vì trong một trạng thái như thế, nó dường như vấp phải cái đối lập và những rào cản trên đường phát triển hoàn chỉnh của nó. Tiến trình phát triển biện chứng của Tinh thần luôn là tiến trình hướng đến sự tự do. Do đó, công trình này là một thiên anh hùng ca triết học đồ sộ, dõi theo lịch sử của Tinh thần từ những sự mò mẫm mù quáng ban đầu của nó trong một thế giới thù địch đến khi nó nhận ra chính mình như là chủ nhân ông của vũ trụ, cuối cùng nó đạt đến sự tự-nhận thức và sự tự do.

Di sản triết học này của Hegel ngay lập tức làm dấy lên những cuộc tranh luận trong việc tiếp nhận cũng như việc cải biến nó nơi nhóm các triết gia được mệnh danh là “các nhà Hegel trẻ”. Các nhà Hegel trẻ đã tái biên con đường đi đến sự giải phóng của Tinh thần phổ quát thành con đường đi đến sự giải phóng con người. Tuy nhiên, có vẻ như lúc bấy giờ, trong mắt các nhà Hegel trẻ, cái Tinh thần phổ quát được Hegel sử dụng theo hướng ngầm biện hộ cho sự hợp thức của chính quyền Phổ. Như vậy, di sản triết học của Hegel gồm hai phần: phần ‘biểu hiện giả tạo’ là việc ông chấp nhận nhà nước của chính trị, tôn giáo và xã hội ở Phổ đầu thế kỷ 19, và ‘phần cốt lõi bên trong’ là phần nghiên cứu của Hegel về Tinh thần đang vượt bỏ sự tha hóa, được lý giải lại như là một công việc nghiên cứu về sự tự-ý thức của con người đang giải phóng mình ra khỏi những ảo tưởng gây cản trở nó trong hành trình đi đến sự tự-nhận thức và sự tự do.

Dưới sự ảnh hưởng của Bauer, Marx xem tôn giáo chính thống như là ảo tưởng chủ yếu đang sừng sững trên con đường tự-nhận thức của con người và vũ khí chủ yếu chống lại ảo tưởng này chính là triết học; song Marx lại tỏ ra triệt để hơn Bauer khi sử dụng sự phê phán của chính Hegel về tôn giáo để rút ra kết luận rằng chính con người là kẻ đã sáng tạo ra Thượng đế và chính sự tồn tại độc lập của vị Thượng đế này làm cho con người không thể coi mình là “vị thần tối cao”. Kết luận triết học này chỉ ra một nhiệm vụ thực tiễn: phê phán tôn giáo và vạch cho con người thấy rằng Thượng đế chính là sự sáng tạo của họ, do đó, chấm dứt tình trạng phụ thuộc của con người vào Thượng đế và chấm dứt tình trạng con người bị tha hóa khỏi cái bản tính chân thực của mình.
2. SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA FEUERBACH

Trong xu thế cải biến phương pháp của Hegel thành vũ khí chống lại tôn giáo, Ludwig Feuerbach (1804-1872) là nhân vật nổi bật nhất. Công trình Bản chất của đạo Kitô (1841)của ông có sức ảnh hưởng lớn đến các nhà Hegel trẻ lúc bấy giờ.

Giống như Bauer, Feuerbach coi tôn giáo là một hình thức của sự tha hóa. Theo ông, Thượng đế là bản chất của giống người đã được ngoại tại hóa và được phóng chiếu thành một thực thể xa lạ. Sự thông thái, tình yêu, lòng nhân từ, vốn là các thuộc tính của giống người, đã được chúng ta gán cho Thượng đế. Chúng ta càng làm giàu khái niệm của mình về Thượng đế theo cách này bao nhiêu, thì chúng ta lại càng làm nghèo chính mình đi bấy nhiêu. Giải pháp là thừa nhận rằng thần học là một thứ nhân loại học bị mô tả sai. Điều mà chúng ta tin ở Thượng đế trên thực tế chính là điều chúng ta tin ở chính mình. Vì thế, nhân loại mới có thể tìm lại được bản chất của mình, vốn đã bị đánh mất trong tôn giáo.

Công trình nói trên không gây ấn tượng mạnh đối với Marx, bởi lẽ những ý tưởng như thế này, lúc bấy giờ, ông tiếp thu từ Bauer. Chỉ các công trình sau này của Feuerbach, nhất là Luận cương sơ bộ cho việc đổi mới triết học(1843) mới có sức ảnh hưởng quyết định tới Marx, đánh dấu cho giai đoạn quan trọng tiếp theo trong sự phát triển tư tưởng của ông.

Các công trình sau năm 1841 của Feuerbach đã vượt khỏi sự phê phán tôn giáo thành sự phê phán bản thân triết học Hegel. Ông cho rằng quan niệm của Hegel xem Tinh thần là lực lượng đang vận động trong lịch sử và con người là những sự biểu hiện của nó là quan niệm đã đặt nhân loại nằm bên ngoài con người, và do đó làm cho nhân loại tha hóa khỏi chính mình; thay vì triết học phải bắt đầu từ việc xử lý các thực tại như Tinh thần, Thượng đế, cái Tuyệt đối như là những thực tại tối hậu và xem những con người bình thường, các động vật, và các đồ vật trong thế giới vật chất hữu hạn là sự biểu hiện có hạn chế và không hoàn hảo của thế giới tinh thần, triết học phải bắt đầu với thế giới vật chất hữu hạn. Không phải tư tưởng có trước sự tồn tại, mà sự tồn tại có trước tư tưởng.

Marx nắm lấy ngay cái ý tưởng đưa Hegel xuống mặt đất bằng cách dùng các phương pháp của Hegel để công kích điều kiện hiện tại của con người này. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi làm biên tập cho tờ Rheinish Gazette, Marx đã từ trời cao triết học Hegel xuống các vấn đề thực tiễn hơn như tình trạng kiểm duyệt, ly hôn, đạo luật Phổ cấm vào rừng hái củi, và tình trạng túng quẫn về kinh tế của những người trồng nho xứ Mosel. Khi tờ báo bị đình bản, Marx trở lại với triết học, ông áp dụng kỹ thuật của Feuerbach để cải biến triết học chính trị của Hegel.

Đến đây, Marx đã theo Feuerbach trong việc lý giải lại Hegel như là một triết gia về con người. Tuy nhiên, quan niệm của ông về con người lại đặt tiêu điểm vào phương diện tinh thần của họ, tức các tư tưởng và ý thức của họ. Những dấu hiệu đầu tiên của một sự chuyển đổi sang sự nhấn mạnh sau này của ông đến các điều kiện vật chất kinh tế của đời sống con người xuất hiện trong ‘Vấn đề Do Thái’ (1843). Ý tưởng nổi bật của tiểu luận này ở chỗ nó xem đời sống kinh tế, chứ không phải tôn giáo, là hình thức chủ yếu của sự tha hóa của con người. Như vậy, cũng trên con đường cải biến Hegel nhưng Marx đã lật ngược đầu xuống dưới, bằng cách dùng chữ “tiền” thay cho chữ “Thượng đế”. Không phải tôn giáo, cũng không phải triết học, mà chính tiền mới là vật chướng ngại trên con đường đi đến sự tự do của con người.
3. ĐẾN VỚI GIAI CẤP VÔ SẢN

Bên cạnh “Vấn đề Do Thái”, công trình “Góp phần phê phán Triết học pháp quyền của Hegel: Lời nói đầu” (sau đây sẽ gọi tắt là “Lời nói đầu”) là một dấu mốc quan trọng trên con đường dẫn đến chủ nghĩa Marx; bởi lẽ trong công trình này, lần đầu tiên Marx xác định rõ vai trò quyết định của giai cấp vô sản trong việc cứu vãn nhân loại. Giai cấp vô sản là vũ khí vật chất của triết học, triết học là vũ khí trí tuệ của giai cấp vô sản. Đây là mầm mống của một giải pháp mới cho vấn đề sự tha hóa của con người. Chỉ có mỗi sự phê phán và lý thuyết triết học, chúng ta không thể chấm dứt tình trạng tha hóa này. Chúng ta cần phải có một lực lượng có tính thực tế hơn, và lực lượng ấy là do giai cấp công nhân bị bần cùng hóa bởi nạn bóc lột mang lại. Giai cấp thấp nhất này trong xã hội sẽ “hiện thực hóa triết học”. Theo sự dẫn dắt của nền triết học triệt để mới, tức nền triết học với tư cách là vũ khí trí tuệ của giai cấp vô sản, giai cấp vô sản sẽ chấm dứt quá trình biện chứng trong đó con người xuất hiện, trưởng thành, bị tha hóa với chính mình, và trở thành nô lệ do bản chất bị tha hóa của chính mình. Trong khi giai cấp trung lưu có tài sản có thể giành được sự tự do cho mình trên cơ sở quyền sở hữu, thì giai cấp công nhân không có tài sản, không có cái gì khác ngoài danh hiệu mình là con người. Vì thế, họ chỉ có thể giải phóng bản thân mình bằng cách giải phóng cho tất cả mọi người.

Trước năm 1844, Marx hầu như không chú ý đến sự hiện hữu của giai cấp vô sản; đương nhiên, ông không bao giờ gợi ý rằng họ không có vai trò nào trong việc khắc phục sự tha hóa. Bấy giờ, giống như một nhà đạo diễn phim mời gọi cậu bé chạy việc vào vai Hamlet, Marx đưa giai cấp vô sản vào với tính cách là lực lượng vật chất sẽ tiến hành công cuộc giải phóng con người. Tại sao vậy?

Marx không đi đến quan niệm của ông về giai cấp vô sản như là kết quả của công việc nghiên cứu kinh tế học, vì công việc này, lúc bấy giờ, ông mới bắt đầu khởi sự. Ông đọc rất nhiều về lịch sử, nhưng không củng cố lập trường của mình bằng cách trích dẫn từ các nguồn sử liệu, như cách làm sau này của ông. Những lý do để Marx gán vai trò quan trọng cho giai cấp vô sản là những lý do triết học, chứ không phải sử học hay kinh tế học. Vì sự tha hóa của con người không phải là vấn đề của một giai cấp riêng biệt nào, mà là một vấn đề phổ quát, cho nên bất cứ một giải pháp nào để giải quyết nó cũng phải có tính chất phổ quát – và giai cấp vô sản, Marx yêu sách, có tính chất phổ quát này do tình trạng bị tước đoạt toàn diện của nó. Nó không đại diện cho một giai cấp đặc thù nào trong xã hội, mà cho toàn thể nhân loại.

Quan niệm rằng một hoàn cảnh phải chứa trong nó mầm mống của sự giải thể của chính nó và sự chiến thắng lớn nhất trong mọi sự chiến thắng phải đến từ những miền sâu của sự tuyệt vọng vốn là những chủ đề quen thuộc trong biện chứng pháp của Hegel và những người theo ông. Giai cấp vô sản thích hợp một cách tài tình với kịch bản biện chứng này, và người ta không thể nào tránh khỏi việc nghi ngờ rằng Marx đã nắm lấy giai cấp này vì nó phục vụ rất tốt cho mục đích triết học của ông.

Nói như vậy không có nghĩa là khi viết công trình “Lời nói đầu”, Marx không biết gì đến giai cấp vô sản. Ông đã chuyển sang Paris để sinh sống, tại đó các tư tưởng xã hội chủ nghĩa tiến triển hơn nhiều so với ở Đức. Ông giao thiệp với các nhà lãnh đạo thời ấy, sống chung trong một căn nhà với tư cách là một trong các nhà lãnh đạo của Liên minh những người chính nghĩa (League of the Just), một tổ chức của những người công nhân cấp tiến. Trong một số bài viết, ông còn thể hiện sự ngưỡng mộ của mình trước “sự cao quý của con người rạng ngời lên từ những cơ thể mệt nhoài” của những người lao động xã hội chủ nghĩa Pháp. Vì thế, khi gán một vai trò hết sức quan trọng cho giai cấp vô sản, Công trình “Lời nói đầu” phản ánh một quá trình hai chiều: Marx làm cho quan niệm của ông về giai cấp vô sản phù hợp với triết học của mình và làm cho triết học của mình phù hợp với lòng nhiệt tình của mình đối với giai cấp công nhân và những tư tưởng cách mạng của nó.
4. CHỦ NGHĨA MARX ĐẦU TIÊN

Hai thức nhận (insight) quan trọng mới đã được Marx khai triển: kinh tế là hình thức chủ đạo của sự tha hóa của con người, và lực lượng vật chất cần có để giải phóng nhân loại ra khỏi sự ngự trị của tình trạng tha hóa do nền kinh tế gây ra phải được tìm thấy ở giai cấp công nhân. Nhưng bấy giờ, ông chỉ nêu ra những luận điểm này một cách vắn tắt mà thôi. Bước tiếp theo là sử dụng những thức nhận này như là cơ sở cho một thế giới quan mới có hệ thống, một thế giới quan sẽ cải biến và thay thế hệ thống Hegel và tất cả mọi sự cải biến trước đó.

Năm 1844, Marx khởi sự một dự án ông theo đuổi đến hết phần đời còn lại là công cuộc nghiên cứu phê phán của mình về kinh tế học, mà Bản thảo kinh tế và triết học năm 1844 là phiên bản đầu tiên của dự án này. Với công trình này, Marx không viết với tư cách là một nhà kinh tế học. Ông muốn vượt qua những giới hạn của bộ môn khoa học kinh tế để đưa ra một lối giải thích sâu sắc hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của các quy luật kinh tế. Lối giải thích mà ông nghĩ đến được trình bày trong phần bản thảo “Lao động bị tha hóa”. Ở đây, Marx giải thích những hàm ý của kinh tế học trong quan hệ chặt chẽ với sự phê phán của Feuerbach về tôn giáo.

Rồi Marx bàn về tình trạng bị tha hóa trong hiện tại của con người. Một trong các tiền đề của ông là “con người là một thực thể-loài”. Ý niệm này được Marx lấy trực tiếp từ Feuerbach và cụ thể hóa nó bằng cách cho thấy rằng “đời sống sản xuất... là đời sống-loài”. Chính trong hoạt động, nghĩa là trong sản xuất, con người mới bộc lộ bản thân mình là thực thể-loài. Theo quan niệm này, lao động là bản chất của đời sống con người, và mọi sản phẩm của sự lao động này đều là bản chất của đời sống con người đã được di chuyển vào một đối tượng vật chất nào đó. Xét một cách lý tưởng, các vật phẩm mà người công nhân tạo ra ắt sẽ là của họ, và họ có thể giữ lại hay bỏ đi tùy thích. Dưới những điều kiện lao động bị tha hóa, khi những người công nhân phải sản xuất ra các vật phẩm mà họ không kiểm soát được chúng và chúng được dùng để chống lại người đã sản xuất ra chúng, những người công nhân ấy bị xa lạ với con người bản chất của mình.

Một hệ quả của việc con người bị xa lạ hóa với bản tính của chính mình, đó là họ cũng bị trở nên xa lạ với nhau. Hoạt động sản xuất trở thành hoạt động dưới sự thống trị, sự cưỡng bức, và dưới cái ách của người khác. Người khác này trở thành một thực thể xa lạ và thù địch. Thay vì con người quan hệ với nhau bằng cách hợp tác, thì họ lại quan hệ với nhau bằng sự cạnh tranh. Tình yêu và sự tin cậy bị thay thế bằng việc buôn bán và sự trao đổi. Con người không còn thừa nhận lẫn nhau cái bản tính người mà họ có chung; họ xem người khác như là những công cụ để đáp ứng hơn nữa các lợi ích vị kỷ của họ.

Đây là sự phê phán đầu tiên của Marx về kinh tế học. Bởi lẽ trong quan niệm của ông, chính đời sống kinh tế, chứ không phải Tinh thần hay ý thức, mới là cái thực tồn căn bản, cho nên sự phê phán này chính là việc ông đi tìm cái gì đó không ổn trong hoàn cảnh hiện tại của con người. Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này? Đó không phải là việc tăng tiền công, vì thứ tiền công ấy không phục hồi ý nghĩa hay phẩm giá cho người công nhân hay lao động của họ. Giải pháp là xóa bỏ tiền công, khắc phục tình trạng lao động bị tha hóa, và phế bỏ nền tư hữu cho dứt điểm. Nói ngắn gọn, chủ nghĩa cộng sản chính là giải pháp.

Đấy là những luận điểm cốt yếu của “chủ nghĩa Marx đầu tiên”. Rõ ràng đó không phải là một công việc khoa học theo nghĩa mà ngày nay chúng ta hiểu về khoa học. Các lý thuyết của nó không xuất phát từ các nghiên cứu chi tiết về sự kiện, hay phải chịu những sự kiểm tra hay quan sát cẩn trọng.

Chủ nghĩa Marx đầu tiên đã được đưa xuống mặt đất hơn so với triết học của Hegel về lịch sử, nhưng nó là một thứ triết học tư biện về lịch sử chứ không phải là một công trình nghiên cứu khoa học. Đích đến của lịch sử thế giới là sự tự do của con người. Con người hiện thời chưa được tự do, vì họ không thể tổ chức được thế giới để thỏa mãn các nhu cầu của mình và để phát triển các năng lực người của mình. Nền tư hữu, dù là một sự sáng tạo của con người, nhưng nó lại thống trị và nô dịch con người. Song, sự tự do tối hậu không còn hồ nghi gì nữa, nó là tất yếu về mặt triết học. Nhiệm vụ trước mắt của lý luận cách mạng là phải hiểu cho được tình hình hiện tại đang ở giai đoạn nào trong tiến trình biện chứng đi đến sự giải phóng. Rồi tiếp đó, nó sẽ có thể khuyến khích các phong trào để nhanh chóng kết thúc giai đoạn hiện tại, mở ra một thời đại mới của sự tự do.



Văn Hải (tổng hợp)
Chào mừng và rất vui các bạn đến với blog chia sẻ mình!

Tham quan du ngoạn từ Nam chí Bắc:

An Giang || Bà Rịa - Vũng Tàu || Bắc Giang || Bắc Kạn || Bạc Liêu || Bắc Ninh || Bến Tre || Bình Dương || Bình Định || Bình Phước || Bình Thuận || Cà Mau || Cao Bằng || Cần Thơ || Đà Nẵng || Đắk Lắk || Đắk Nông || Điện Biên || Đồng Nai || Đồng Tháp || Hà Giang || Hà Nam || Hà Tĩnh || Hải Dương || Hậu Giang || Hòa Bình || Hưng Yên || Khánh Hòa || Kiên Giang || Kon Tum || Lai Châu || Lâm Đồng || Lạng Sơn || Lào Cai || Long An || Về Miền Tây || Nam Định || Nghệ An || Ninh Bình || Ninh Thuận || Phú Thọ || Quảng Bình || Quảng Nam || Quảng Ngãi || Quảng Ninh || Quảng Trị || Sóc Trăng || Sơn La || Về Tây Nguyên || Tây Ninh || Thái Bình || Thái Nguyên || Thanh Hóa || Thừa Thiên Huế || Thành phố Hồ Chí Minh || Thủ Đô Hà Nội || Tiền Giang || Trà Vinh || Tuyên Quang || Vĩnh Long || Vĩnh Phúc || Yên Bái

|| || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || ||

Bộ sưu tập ảnh hot:

|| || || || || || || || || || || || || || || || || ||
Like bài viết nếu bạn thấy hay và có ích :
Những gì mình biết, hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé! Xin mời bạn bình chọn!

Bạn đã xem chưa

0 nhận xét | Viết lời bình

Copyright © 2014 Haitaynamkg Knowledge Humanity