haitaynamkg

Tổng hợp kiến thức nhân loại

Bàn về giáo dục nghệ thuật và cuộc sống

----------------------------------------------------------------------------------------------------
(Haitaynamkg) Giáo dục nghệ thuật mang trong nó nội hàm rất rộng như chính đặc điểm tồn tại của nội dung khái niệm nghệ thuật. Nghệ thuật sinh ra như một đòi hỏi tất yếu của xã hội, như một thể hiện, biểu hiện cần có của con người với thế giới chung quanh.


Khi nói tới nghệ thuật, người ta thường nhớ câu nói nổi tiếng của nhà soạn nhạc thiên tài người Nga P.I.Trai-cốp-xki: "Ở đâu và khi nào ngôn từ bất lực thì ở đó sẽ sinh ra một thứ ngôn ngữ mới hùng hồn hơn, đó là âm nhạc". Nhưng tôi nghĩ, tất cả các loại hình của nghệ thuật đều có thể được coi là đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Và bên cạnh đó, trong tôi luôn tồn tại một hoài nghi: có thể cả ngôn từ và nghệ thuật đã cùng nhau sinh ra khi có sự xuất hiện của loài người, cùng song hành tồn tại và trong từng giai đoạn nhất định của diễn trình lịch sử xã hội loài người có những tương quan, quan hệ khác nhau.
Các loại hình nghệ thuật bao giờ cũng mang trong nó những đặc thù riêng về phương diện biểu hiện. Điều đó cũng có nghĩa: để hiểu, để thưởng thức một loại hình nghệ thuật cũng cần có những tri thức cơ bản, kiến thức nhất định về loại hình nghệ thuật đó. Tri thức đã có của mỗi loại hình nghệ thuật là rất to lớn và luôn dường như vô tận. Khi tiếp cận với nó, có thể sẽ làm cho chúng ta nhớ đến câu nói của người xưa: "càng học càng dốt" vậy. Tuy nhiên, trong một chừng mực nhất định, với một lượng tri thức cơ bản vẫn có thể là điều kiện cần cho phép chúng ta tiếp cận với một loại hình nghệ thuật. Để làm được việc đó thì vai trò của công tác giáo dục nghệ thuật là đặc biệt quan trọng. Giáo dục nghệ thuật là lĩnh vực có thể sẽ mang đến cho đối tượng cần những tri thức cơ bản để có thể tiếp cận với một loại hình nghệ thuật.
Thật ra, việc đánh giá cao vai trò của giáo dục nghệ thuật không phải là điều mới trong lịch sử phát triển xã hội loài người. Từ thời cổ đại, các triết gia đã coi giáo dục nghệ thuật là một trong những phương thức hiệu quả nhất cho việc giáo dục con người trở thành người tốt. Chính vì vậy, diễn trình lịch sử xã hội loài người cũng có thể được nhìn nhận ở góc độ của những quan điểm khác nhau về giáo dục nghệ thuật.
Trong thời gian qua, khi nói đến giáo dục nghệ thuật, nhiều nhà giáo dục nghệ thuật thường chỉ chú trọng tới đối tượng nhà trường phổ thông, coi đây là khu vực quan trọng để có thể tiến tới mục tiêu giáo dục nghệ thuật cho toàn xã hội trong tương lai: "Trẻ em hôm nay, Thế giới ngày mai". Phải nhìn nhận: Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông giữ vai trò rất quan trọng. Nhưng thực ra cần phải có cái nhìn toàn diện về công tác này, bởi ngoài thời gian ở nhà trường, phần lớn thời gian trẻ em sống ở gia đình và ngoài xã hội. Do vậy, công tác giáo dục nghệ thuật cần phải đa dạng hơn về không gian và phương thức tiến hành.
Bên cạnh đó, không nên chỉ coi học sinh là đối tượng duy nhất cần thiết của giáo dục nghệ thuật; giáo dục nghệ thuật còn cần phải là nhu cầu cho mọi tầng lớp xã hội, cần phải được nhìn nhận ở một tầm khái quát cao. Và theo chúng tôi, đó mới chính là đối tượng thật sự của công tác giáo dục nghệ thuật. Chính vì vậy, công tác giáo dục nghệ thuật phải được đa dạng hóa về phương diện hình thức tiến hành. Nghệ thuật luôn không chỉ mang đến cho con người những giây phút giải trí thoải mái, mà hơn vậy, mang đến cho con người sự hưởng thụ mang tính thẩm mỹ về phương diện tinh thần, mang đến cho con người sự thanh cao - cao thượng và cả nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường ở Việt Nam mấy chục năm qua thực chất chỉ triển khai ở hai môn âm nhạc và mỹ thuật. Các bài học về âm nhạc và mỹ thuật tại trường phổ thông đã đóng góp tích cực trong việc mang đến cho tuổi trẻ Việt Nam những kiến thức cần để có thể trở thành một con người toàn diện. Nhưng có một điều có lẽ cũng cần nói ở đây: Nếu tìm hiểu chúng ta sẽ thấy giờ học âm nhạc và mỹ thuật ở trường phổ thông chỉ có ở các cấp học tiểu học và trung học cơ sở, không có giờ dạy nghệ thuật (âm nhạc hay mỹ thuật) ở trường trung học phổ thông (THPT). Mà như chúng ta đã biết, học sinh lứa tuổi THPT đầy hiếu động và cần được sự quan tâm đặc biệt của nhà trường và toàn xã hội trong việc định hướng thẩm mỹ nghệ thuật. Trong thời gian qua, nhiều nhà nghiên cứu về giáo dục nghệ thuật thường bày tỏ lo ngại về thị hiếu thẩm mỹ của lứa tuổi này. Qua nhiều khảo sát chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy một điều: Nhiều giá trị tinh thần vốn là bản sắc của văn hóa truyền thống Việt Nam không được các em biết và yêu quý, nhất là đối với học sinh THPT ở các thành phố, trung tâm lớn. Trong khi đó các em lại có thể biết, yêu thích nhiều tác phẩm âm nhạc nước ngoài. Khi nói về vấn đề này, các nhà nghiên cứu giáo dục nghệ thuật, trên từng góc độ của mình thường chỉ ra, nhấn mạnh những nguyên nhân khác nhau. Nhưng có lẽ tất cả đều thống nhất với nhau về sự cần thiết, cấp bách của công tác giáo dục nghệ thuật cho lứa tuổi THPT, về một cái nhìn, một sự chỉ đạo ở tầm chiến lược của công tác này.
Trường đại học Sư phạm Nghệ thuật T.Ư, một cơ sở đào tạo quan trọng của giáo dục nghệ thuật Việt Nam cho các trường phổ thông hàng chục năm qua cũng đã và đang chỉ đào tạo chủ yếu hai loại hình giáo viên âm nhạc và giáo viên mỹ thuật. Song qua khảo sát tại các địa phương và thực tế phát triển của xã hội chúng tôi nhận thấy: để có thể trở thành một người phát triển toàn diện trẻ em không phải chỉ cần học nhạc và mỹ thuật, phần đông các em đều rất thích học và có năng khiếu với các môn nghệ thuật khác như múa, kịch, v.v. Thời gian qua, xuất phát từ việc khảo sát nhu cầu của xã hội, nhà trường đã đề nghị và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở thêm một số ngành đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giáo dục nghệ thuật của xã hội như: Quản lý Văn hóa, Thiết kế thời trang, Hội họa và Thiết kế đồ họa. Theo chúng tôi, đây sẽ là những khởi đầu đầy hứa hẹn cho tương lai của công tác giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam. Nhà trường cũng đã và đang hoàn thành nội dung Chương trình giảng dạy của một số mã ngành đào tạo khác thuộc lĩnh vực nghệ thuật để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét việc cho đào tạo trong thời gian tới như: Sư phạm múa, sư phạm thanh nhạc, sư phạm nhạc cụ (organ/ghita), v.v. Nội dung của chương trình là những môn học nhằm đào tạo ra những giảng viên có trình độ chuyên ngành cao không chỉ cho các trường phổ thông, mà cả cho các trường sư phạm địa phương và trung ương của Việt Nam.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên của giáo dục nghệ thuật chính là giáo dục sự nhận thức, tình yêu đối với những giá trị mang tính bản sắc của nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Từ đó, mỗi con người Việt Nam sẽ có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị đã khẳng định sự tồn tại của một dân tộc trong sự hội nhập giữa các nền văn hóa trên thế giới. Trong nhiều khảo sát của các cơ quan có trách nhiệm trong thời gian vừa qua đã chỉ ra: Những giá trị văn hóa cổ truyền còn chưa được yêu thích và coi trọng, nhất là trong giới trẻ. Giới trẻ Việt Nam hôm nay phần nhiều không yêu thích do không hiểu được những giá trị đích thực của văn hóa truyền thống. Trong các bài dân ca, nhiều lời ca cổ là khó hiểu đối với thế hệ trẻ hôm nay. Để khắc phục vấn đề này, theo chúng tôi không phải là công việc có thể làm ngay được và phải tốn rất nhiều công sức của một tầm chiến lược mang tính định hướng cao. Nhưng chắc chắn đây là công việc cần phải làm của toàn xã hội vì thế hệ trẻ và cũng là vì tương lai của đất nước.


Văn Hải (tổng hợp)
Chào mừng và rất vui các bạn đến với blog chia sẻ mình!

Tham quan du ngoạn từ Nam chí Bắc:

An Giang || Bà Rịa - Vũng Tàu || Bắc Giang || Bắc Kạn || Bạc Liêu || Bắc Ninh || Bến Tre || Bình Dương || Bình Định || Bình Phước || Bình Thuận || Cà Mau || Cao Bằng || Cần Thơ || Đà Nẵng || Đắk Lắk || Đắk Nông || Điện Biên || Đồng Nai || Đồng Tháp || Hà Giang || Hà Nam || Hà Tĩnh || Hải Dương || Hậu Giang || Hòa Bình || Hưng Yên || Khánh Hòa || Kiên Giang || Kon Tum || Lai Châu || Lâm Đồng || Lạng Sơn || Lào Cai || Long An || Về Miền Tây || Nam Định || Nghệ An || Ninh Bình || Ninh Thuận || Phú Thọ || Quảng Bình || Quảng Nam || Quảng Ngãi || Quảng Ninh || Quảng Trị || Sóc Trăng || Sơn La || Về Tây Nguyên || Tây Ninh || Thái Bình || Thái Nguyên || Thanh Hóa || Thừa Thiên Huế || Thành phố Hồ Chí Minh || Thủ Đô Hà Nội || Tiền Giang || Trà Vinh || Tuyên Quang || Vĩnh Long || Vĩnh Phúc || Yên Bái

|| || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || || ||

Bộ sưu tập ảnh hot:

|| || || || || || || || || || || || || || || || || ||
Like bài viết nếu bạn thấy hay và có ích :
Những gì mình biết, hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé! Xin mời bạn bình chọn!

Bạn đã xem chưa

0 nhận xét | Viết lời bình

Copyright © 2014 Haitaynamkg Knowledge Humanity